Tận dụng lợi ích từ hiệp định RCEP để đầu tư cho năng lực cạnh tranh dài hạn

Thương Mại Việt nAM
15:46 - 05/11/2021
Tận dụng lợi ích từ hiệp định RCEP để đầu tư cho năng lực cạnh tranh dài hạn
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp định RCEP được kỳ vọng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các quốc gia trong khối ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng bất ổn gần đây.

Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) được mệnh danh là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 quốc gia thành viên, bao gồm 10 nước thuộc khối Đông Nam Á (ASEAN) là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Brunei và 5 đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN là Nhật Bản, New Zealand, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Hiệp định RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 sau gần 8 năm đàm phán. Theo quy ước chung, RCEP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày kể từ khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước ngoài ASEAN phê chuẩn. Sau khi Úc và New Zealand thông báo đã phê chuẩn hiệp định gần đây, RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2022.

Quá trình đám phán, ký kết RCEP từ năm 2012 đến nay

Quá trình đám phán, ký kết RCEP từ năm 2012 đến nay

Hiệp định một khi được thông qua sẽ tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ dân, tương đương khoảng 30% dân số thế giới, đồng thời là thị trường tạo ra 26.200 tỷ USD sản lượng toàn cầu, tương đương 30% quy mô nền kinh tế toàn cầu, lớn hơn cả khối thương mại Liên minh châu Âu.

RCEP được kỳ vọng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các quốc gia trong khối ASEAN trong bối cảnh bất ổn chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc các quốc gia trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử...

Thực tế, trong hai năm gần đây, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức, đặc biệt là vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu cũng như trong nước. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đứng trước mối quan ngại lớn khi sức mua của nền kinh tế suy yếu. Do đó, việc tìm kiếm, cải thiện, xúc tiến các thị trường xuất khẩu mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

RCEP là 1 trong 15 hiệp định thương mại tự do của Việt Nam

RCEP là 1 trong 15 hiệp định thương mại tự do của Việt Nam

RCEP sẽ bổ sung 2,5% vào GDP của Việt Nam

Tại Hội thảo "Hiệp định RCEP - Những điều doanh nghiệp cần biết" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào sáng 05/11, ông Nguyễn Anh Dương, trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp Viện CIEM cho hay tầm quan trọng của RCEP so với các hiệp định thương mại tự do khác nằm ở chỗ Việt Nam đã có kinh nghiệm dày dặn về thực thi các FTA ASEAN+1, thậm chí FTA song phương Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản. Do đó, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn trong việc tận dụng và khai thác tối đa thị trường, từ đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu và thu nhập quốc gia.

Cơ hội lớn đầu tiên mà RCEP mở ra với nền kinh tế Việt Nam là cho phép doanh nghiệp Việt tiếp cận với các thị trường tiềm năng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Ngay cả trong bối cảnh đà tăng trưởng của Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc do hàng loạt thách thức như khủng hoảng điện, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhìn chung triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Với quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu mạnh mẽ, có thể thấy tiềm năng thương mại rất lớn từ Trung Quốc nói riêng và các thị trường nằm trong RCEP nói chung.

Trong một nghiên cứu do CIEM thực hiện năm 2019 đánh giá tác động của RCEP với nền kinh tế ngay sau khi Ấn Độ rút khỏi hiệp định này, kết quả cho thấy trong trường hợp không có sự tham gia của Ấn Độ, lợi ích từ RCEP có thể bổ sung vào GDP của Việt Nam thêm khoảng 2,5% so với kịch bản không có RCEP.

Đồng thời, RCEP tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn lực đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu, qua đó xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, hướng tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, so với các FTA khác như CPTPP, EVFTA, hiệp định RCEP bao gồm các tiêu chuẩn linh hoạt với mức độ tuân thủ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, có thể coi RCEP như một bước đệm cho doanh nghiệp Việt làm quen, thích nghi dần với các tiêu chuẩn kỹ thuật cao của thế giới, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng thương hiệu, tạo dựng dần chuỗi cung ứng để tiến tới mục tiêu dài hạn hơn khi bước vào những sân chơi khó tính hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, cơ hội từ RCEP cũng đi kèm những thách thức lớn mà Việt Nam cần khắc phục nếu muốn hưởng lợi và tận dụng tối đa hiệp định này.

Thách thức đầu tiên và được nhắc tới nhiều nhất liên quan đến rủi ro nhập siêu. Ông Nguyễn Anh Dương chỉ ra rằng hai quốc gia nằm trong RCEP mà Việt Nam nhập siêu nổi bật là Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc tham gia RCEP không đồng nghĩa cơ hội xuất khẩu dành riêng cho Việt Nam, mà quan trọng hơn, doanh nghiệp nội địa cần nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới thúc đẩy kim ngạch và giá trị gia tăng của hoạt động xuất khẩu. “Câu chuyện nhập siêu nếu không được xử lý dứt điểm có thể gây ảnh hưởng lớn đến áp lực tỷ giá, qua đó tác động trực tiếp đến nguồn thu doanh nghiệp”.

Thách thức thứ hai liên quan đến mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng. Thống kê của IMF trước thời điểm đại dịch cho thấy mức độ phụ thuộc của các nền kinh tế toàn cầu với Trung Quốc ngày một tăng, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Ông Dương nhận định đại dịch Covid-19 vừa qua là cơ hội để các quốc gia nhìn nhận lại cơ hội cũng như rủi ro từ việc phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, qua đó xây dựng chuỗi cung ứng tự chủ và độc lập hơn.

"Vấn đề lớn đặt ra không phải làm thế nào xuất khẩu, mà làm thế nào tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới, phát hiện các nhu cầu mới của thị trường mà các đối thủ nằm trong RCEP chưa phát hiện hay chưa đáp ứng được”, ông Nguyễn Anh Dương.

Thách thức thứ ba liên quan đến khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP. Mặc dù RCEP được đánh giá là thị trường dễ tính hơn so với các thị trường mà nhiều FTA như CPTPP, EVFTA mở ra cho doanh nghiệp Việt, nhưng để cạnh tranh ở RCEP, doanh nghiệp phải đáp ứng quy định tốt hơn, nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, thậm chí với mức giá rẻ hơn và mức độ cạnh tranh rất lớn.

“Việt Nam đang đối diện với một vấn đề lớn trước RCEP: mức độ tương đồng xuất khẩu của nước ta với các thị trường RCEP cao hơn rất nhiều so với CPTPP hay các FTA khác. Điều này đồng nghĩa cạnh tranh xuất khẩu gay gắt hơn nhiều. Bên cạnh đó, mức độ bổ trợ thương mại của Việt Nam khi tham gia RCEP không cải thiện nhiều so với các hiệp định khác, tức mức độ đáp ứng FTA vẫn giữ nguyên", ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Phải gắn thực thi hiệp định RCEP với CPTPP và EVFTA

Để tận dụng và khai thác tốt hiệp định RCEP, theo ông Dương, doanh nghiệp không thể tách rời RCEP với các FTA hiện có như CPTPP hay EVFTA. Thậm chí, nên lấy các FTA có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như CPTPP và EVFTA làm tiêu chuẩn định hướng “cuộc chơi” để ngày càng tiệm cận với hàng rào khắt khe từ các thị trường quốc tế.

Ảnh tác giả

“Doanh nghiệp phải xác định tinh thần rằng dù sớm, dù muộn, ta phải hướng tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn tốt nhất. RCEP nên được hiểu là bước đi dễ dàng và cần thiết để doanh nghiệp thích ứng với các hiệp định khó khăn hơn”

Nguyễn Anh Dương, trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Ông Dương cho rằng doanh nghiệp phải học cách tận dụng lợi ích mà RCEP mang lại để đầu tư cho năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Chẳng hạn, doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm với giá 10 USD kèm theo 10% thuế, tức giá bán sản phẩm là 11 USD. Giờ đây, với lợi ích miễn thuế từ RCEP, doanh nghiệp có hai hướng đi: một là hạ giá sản phẩm xuống 10 USD để tạo giá thành cạnh tranh, thúc đẩy thị phần, hai là giữ nguyên giá bán 11 USD, dùng khoản chi phí tiết kiệm được do ưu đãi miễn thuế để đầu tư công nghệ, tăng chất lượng hàng hóa dịch vụ. Trong dài hạn, hàng hóa vẫn có thể bán với giá 11 USD nhưng sản phẩm đã tiến tới một phân khúc khác với giá trị gia tăng khác và chỗ đứng trên thị trường khác.

Về phía Chính phủ, ông Dương nhận định cần phối hợp hài hóa bộ ba chính sách công nghiệp – chính sách đầu tư – chính sách thương mại để tạo cơ sở, định hướng cho doanh nghiệp trong nước tận dụng, khai thác tối đa lợi ích mà RCEP mang lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.