Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chịu áp lực nhiều phía

KINH TẾ TRUNG QUỐC
22:47 - 09/03/2022
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 có khả năng không đạt được do áp lực từ nhiều yếu tố bao gồm giá dầu tăng vọt, số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục và những rắc rối tài chính tiếp diễn trong ngành bất động sản.

Mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc cho năm 2022 có thể coi là mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua, nhưng nó vẫn được coi là đầy tham vọng do thị trường nhà ở tiếp tục suy giảm và tiêu dùng phục hồi chậm chạp do bùng dịch.

Tính đến 9/3, số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đã chạm ngưỡng 500 ca ngày thứ 3 liên tiếp. Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và các trung tâm sản xuất ở Quảng Đông đều ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh.

Do Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero-covid, số ca nhiễm cộng đồng gia tăng đã dẫn tới việc đóng cửa các dịch vụ kinh doanh trong nhiều tuần. Dù hiện nay các thành phố đều tránh phong tỏa trên diện rộng và chỉ tập trung vào phong tỏa có mục tiêu, những biện pháp hạn chế này vẫn ảnh hưởng tới chi tiêu, đi lại và nhu cầu trong nước.

Thêm vào đó, khi giá dầu, khí đốt và các mặt hàng khác tăng đột ngột do các biện pháp cấm vận từ phương Tây lên Nga, lạm phát giá sản xuất vẫn ở mức cao sẽ còn được đẩy lên cao hơn nữa. Các nhà sản xuất vì vậy sẽ phải chịu áp lực lớn và bị buộc phải hạn chế lợi nhuận và giảm quỹ đầu tư.

Dữ liệu chính thức hôm 9/3 chỉ ra chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh áp lực chi phí gia tăng đối với các nhà máy ngay cả trước khi giá dầu thô tăng phi mã. Trong tình hình hiện tại, Trung Quốc chỉ có thể sẽ hy vọng tăng trưởng giá tiêu dùng thấp ở mức 0.9% và nguồn cung năng lượng từ Nga có thể giúp bảo vệ nền kinh tế và người tiêu dùng khỏi các căng thẳng địa chính trị.

Thiên Tân, Trung Quốc khi bị phong tỏa ngày 10/1/2022. Ảnh: Getty Images

Thiên Tân, Trung Quốc khi bị phong tỏa ngày 10/1/2022. Ảnh: Getty Images

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của Trung Quốc nằm ở thị trường bất động sản. Các nhà phát triển bất động sản tiếp tục bị siết chặt tài chính khi chứng khoán được hỗ trợ bằng tài sản đang cạn kiệt dần. Doanh số bán nhà trong 2 tháng đầu năm cũng sụt giảm và điều này đồng nghĩa với việc các chủ đầu tư nhận được ít tiền mặt hơn từ những người mua nhà đặt cọc. Do đó, bảng cân đối kế toán của các tập đoàn này bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Theo dự báo của các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 4,5% trong năm 2022. Con số này đã bị hạ 1 điểm phần trăm từ mức 5,5% vào tuần trước. Các chuyên gia nhận định Bắc Kinh sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa việc nới lỏng chính sách để giữ cho tăng trưởng không trượt xa hơn trong bối cảnh giá dầu đang chịu nhiều biến động và có khả năng sẽ làm giảm nửa điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Barclays Plc cũng ước tính một cú shock năng lượng toàn cầu có thể thổi bay 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lạm phát tiêu dùng thấp là một điểm sáng cho các nhà hoạch định chính sách vì nó cung cấp cho chính phủ nhiều cơ hội hơn để kích cầu. Giá thịt lợn trên đà giảm cũng đang giúp giữ giá tiêu dùng ở mức thấp. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và giá thực phẩm biến động, đã giảm xuống 1,1% sau khi giữ nguyên ở mức 1,2% trong 3 tháng trước đó. Nếu tình trạng này được duy trì, Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu lạm phát cả năm vào khoảng 3%.

Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy chi tiêu tài khóa và đạt được mục tiêu tăng trưởng mà không làm tăng mức nợ, ngân hàng trung ương của Trung Quốc cho biết sẽ chuyển cho chính phủ khoảng 158 tỷ USD lợi nhuận. Theo tính toán của hãng tin Bloomberg, số tiền này sẽ đủ để cung cấp ít nhất 3,7% tổng chi tiêu của nhà nước năm 2022.

Đọc tiếp