Tăng trưởng ngành sản xuất của khối ASEAN tiếp tục chậm lại

PMI asean
14:01 - 01/12/2022
Tăng trưởng ngành sản xuất của khối ASEAN tiếp tục chậm lại
0:00 / 0:00
0:00

Báo cáo IHS Markit cho thấy, tăng trưởng ngành sản xuất của khối ASEAN tiếp tục chậm lại trong tháng 11 khiến Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ASEAN giảm so với tháng 10, trong đó PMI của Việt Nam giảm dưới mức trung bình 50 điểm.

Đơn đặt hàng mới ngành sản xuất Việt Nam giảm lần đầu tiên trong 14 tháng

Chỉ số PMI Việt Nam đánh dấu việc giảm xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 11/2022 cũng kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng vừa qua. Với kết quả 47,4 điểm so với 50,6 điểm của tháng 10, chỉ số kỳ này cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh trong tháng.

Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đã giảm trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh cũng giảm mạnh. Đồng tiền giảm giá cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong tháng khiến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn. Trong khi đó, giá cả đầu ra đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020.

Theo IHS Markit, số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm lần đầu tiên trong 14 tháng vào giữa quý cuối của năm, chủ yếu phản ánh nhu cầu trên thị trường quốc tế đang yếu đi. Một số thành viên nhóm khảo sát ghi nhận xuất khẩu giảm cũng nhắc đến ảnh hưởng của biến động tỷ giá bất lợi lên giá cả và chiến tranh ở Ukraine.

Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các nhà sản xuất Việt Nam cũng giảm sản lượng, và đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3. Tốc độ giảm là mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 9/2021. Các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian có sản lượng giảm, trong khi các công ty sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản có sản lượng tiếp tục giảm.

Việc làm giảm lần đầu tiên trong 8 tháng

Tương tự xu hướng của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng tại Việt Nam cũng được ghi nhận tiếp tục giảm trong tháng 11. Trong đó, việc làm giảm lần đầu tiên trong 8 tháng. Ngoài việc phản ánh mức sụt giảm của số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng nhân viên giảm cũng phản ánh nỗ lực giảm chi phí ở một số công ty.

Hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm đã kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng và khiến tồn kho hàng mua giảm lần thứ hai liên tiếp. Hàng tồn kho sau sản xuất cũng giảm.

Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giúp một số nhà cung cấp tăng tốc độ giao hàng trong tháng 11. Tuy nhiên, tình trạng này bị lấn át bởi tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và nhiên liệu. Kết quả là, thời gian giao hàng đã bị kéo dài thêm lần đầu tiên trong 4 tháng.

Báo cáo cũng cho thấy, mặc dù chi phí đầu vào tăng với một tốc độ tương đối chậm trong kỳ khảo sát này, tốc độ tăng giá đã nhanh hơn thành mức cao của 4 tháng. Nhóm khảo sát cho biết đồng tiền nội tệ giảm giá so với USD là một nhân tố chính dẫn đến tăng giá cả đầu vào.

Trong khi chi phí đầu vào tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 11, áp lực lạm phát vẫn ở mức nhẹ giúp các nhà sản xuất có thể giảm giá để kích thích nhu cầu. Giá bán hàng đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020.

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết trong bản công bố PMI tháng trước đã cho thấy những dấu hiệu cầu giảm trên thế giới phản ánh vào ngành sản xuất của Việt Nam.

Tăng trưởng ngành sản xuất của khối ASEAN tiếp tục chậm lại ảnh 2

Bức tranh đã tối hơn đáng kể trong tháng 11 khi số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm. Với niềm tin kinh doanh cũng bị giảm, ngành sản xuất có vẻ như có một kết thúc khó khăn cho năm 2022.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence.

Tăng trưởng ngành sản xuất ASEAN tiếp tục chậm lại trong tháng 11

Xu hướng giảm ở Việt Nam cũng là tình hình chung của ASEAN. Báo cáo của IHS Markit chỉ ra rằng, tăng trưởng ngành sản xuất ASEAN tiếp tục chậm lại trong tháng 11 khi dữ liệu chỉ số PMI mới nhất cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ cải thiện nhẹ.

Kết quả, chỉ số PMI toàn phần ASEAN đạt 50,7 điểm trong tháng 11, giảm so với mức 51,6 điểm của tháng 10, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất ASEAN cải thiện lần thứ mười, song tốc độ cải thiện chỉ là nhẹ và chậm nhất trong thời kỳ này.

4 quốc gia ASEAN được khảo sát cho biết các điều kiện hoạt động cải thiện trong tháng 11, trong khi 3 quốc gia còn lại cho biết các điều kiện hoạt động suy giảm.

Singapore vẫn có kết quả tốt nhất khi chỉ số PMI toàn phần đạt 56 điểm (không đổi so với tháng 10). Mặc dù mức tăng là đáng kể, tốc độ tăng vẫn chậm hơn so với thời gian trước trong năm.

Các điều kiện cũng cải thiện ở ngành sản xuất Phillipines khi chỉ số PMI mới nhất (52,7) cho thấy mức tăng mạnh và nhanh hơn một chút so với tháng 10. Thái lan (51,1) và Indonesia (50,3) là hai quốc gia còn lại báo cáo tăng trưởng trong ngành sản xuất. Tuy nhiên, cả hai quốc gia cho biết tăng trưởng đã mất động lực tháng thứ hai liên tiếp, và đây là kết quả thấp nhất kể từ tháng 6.

Ở chiều ngược lại, các điều kiện sản xuất ở Malaysia đã suy giảm lần thứ ba liên tiếp trong tháng 11. Hơn nữa, chỉ số toàn phần đạt mức thấp của 15 tháng (47,9). Việt Nam cũng ghi nhận suy giảm sức khỏe ngành sản xuất.

Ngành sản xuất Myanmar có kết quả hoạt động tổng thể yếu kém nhất, các điều kiện hoạt động suy giảm với tốc độ nhanh thứ nhì kể từ khi chuỗi suy giảm hiện nay bắt đầu vào tháng 5 (PMI đạt 44,6).

Theo nhóm nghiên cứu, chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN giảm một phần do nhu cầu yếu kém trong tháng 11 đã khiến số lượng đơn đặt hàng và việc làm tiếp tục giảm. Tồn kho hàng hóa đầu vào tiếp tục giảm cũng đã tác động lên chỉ số PMI.

Đồng thời, sản lượng và hoạt động mua hàng cũng tăng chậm hơn. Mức tăng hoạt động mua hàng lần này về tổng thể là nhẹ và là yếu nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 14 tháng hiện nay.

Lượng công việc chưa thực hiện của các công ty sản xuất ASEAN giảm lần thứ tư trong năm tháng, và lần giảm này về tổng thể là mạnh và là nhanh nhất kể từ tháng 9/2020.

Năng lực của người bán hàng tiếp tục giảm trong kỳ khảo sát mới nhất khi thời gian giao hàng hóa đầu vào trung bình bị kéo dài liên tục từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, tốc độ thời gian giao hàng bị kéo dài đã chậm lại kể từ tháng 10.

Về giá cả, áp lực chi phí trong ngành sản xuất ASEAN vẫn tăng trong tháng 11 do giá nguyên vật liệu và năng lượng cao. Mặc dù, tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại vào thời điểm giữa quý cuối của năm.

Theo đó, kỳ vọng của giới kinh doanh về triển vọng sản lượng trong 12 tháng đã yếu hơn so với mức cao của nhiều năm trong tháng 10 thành mức thấp nhất kể từ tháng 2, với chỉ số đạt mức thấp hơn mức trung bình trong dài hạn.

Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định, lĩnh vực sản xuất ASEAN tháng 11 ghi nhận tăng trưởng chậm lại tháng thứ hai liên tiếp. Mức tăng mới nhất chỉ là nhẹ khi số lượng đơn đặt hàng giảm do hoạt động của khách hàng giảm.

"Tình trạng tăng trưởng chậm lại trong khu vực ASEAN làm nguy cơ ngành sản xuất rơi vào suy giảm tăng trong những tháng tới, khi lạm phát cao và các điều kiện tài chính thắt chặt có thể tiếp tục tác động lên nhu cầu", bà Maryam Baluch đánh giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.