Tên lửa mạnh nhất thế giới của SpaceX chuẩn bị bay vào quỹ đạo lần đầu

Tên lửa MỸ
07:05 - 17/04/2023
Tên lửa Starship tại bệ phóng ở Boca Chica, Texas. Ảnh: SpaceX
Tên lửa Starship tại bệ phóng ở Boca Chica, Texas. Ảnh: SpaceX
0:00 / 0:00
0:00
Là tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo với mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng và Sao Hỏa, tên lửa Starship của công ty SpaceX thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk sẽ thực hiện chuyến bay vào quỹ đạo đầu tiên ngày 17/4.

Sau khi nhận được sự cho phép từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ ngày 14/4, tên lửa Starship sẽ có chuyến bay đầu tiên vào quỹ đạo mà không có người lái. CEO Elon Musk của SpaceX cũng thông báo trên tài khoản Twitter của mình rằng Starship sẽ được phóng tại các cơ sở của công ty ở Boca Chica, Texas - một khu vực được công ty gọi là “Starbase”.

Được làm bằng thép không gỉ, tên lửa Starship cao 120m và sở hữu 33 động cơ chính, tạo ra lực đẩy khoảng 16,7 triệu pound. Sức mạnh này của Starship giúp nó nâng trọng lượng lên tới 250 tấn và chứa được 100 người trong chuyến du hành tới Sao Hỏa.

Tên lửa Starship cũng có thể dễ dàng làm lu mờ các tên lửa mặt trăng khác của NASA như tên lửa Saturn V từ sứ mệnh Apollo, hay tên lửa SLS thuộc sứ mệnh Artemis đưa con người lên Mặt Trăng. Ngoài ra, nó cũng vượt xa tên lửa mặt trăng N1 của Liên Xô - tên lửa chưa từng được bay và đã phát nổ.

Bao gồm 2 bộ phận cấu thành là tên lửa và tàu vũ trụ dài 50m, chuyến bay này là lần đầu tiên Starship xuất phát với đầy đủ các phần của mình. AP trích dẫn ông Elon Musk cho biết Starship có thể được sử dụng để phóng các vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái Đất, bao gồm cả các vệ tinh Internet Starlinks.

Trước mắt, chuyến bay thử nghiệm của Starship sẽ kéo dài 1 tiếng rưỡi và bay hết quỹ đạo Trái đất. Nếu Starship đạt mốc 3 phút sau khi phóng, bộ tăng áp sẽ được lệnh tách ra và rơi xuống Vịnh Mexico. Tàu vũ trụ sẽ tiếp tục bay đi về phía đông, đi qua Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trước khi hạ cánh gần Hawaii.

Starship được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn nhưng sẽ không có gì được giữ lại từ chuyến bay thử nghiệm này.

Nhận định về màn ra mắt sắp tới của Starship, nhà vật lý thiên văn Harvard Jonathan McDowell cho biết nếu Starship thực sự hạ cánh và trở về nguyên vẹn từ quỹ đạo, đây sẽ là “một bước phát triển sâu rộng trong lĩnh vực du hành vũ trụ”.

Thử nghiệm nguyên mẫu tên lửa Starship ngày 12/11/2021 tại Boca Chica, Texas. Ảnh: SpaceX

Thử nghiệm nguyên mẫu tên lửa Starship ngày 12/11/2021 tại Boca Chica, Texas. Ảnh: SpaceX

Địa điểm phóng tên lửa này sẽ là một địa điểm xa xôi ở cực nam của Texas gần Bãi biển Boca Chica. Nó nằm ngay bên dưới Đảo Nam Padre và cách Brownsville khoảng 32km. Bệ phóng ở Texas còn được trang bị những cánh tay robot khổng lồ được gọi là đũa để giúp nó bắt lấy tên lửa đẩy khi nó hạ cánh trở lại mặt đất.

Nhận định về tỷ lệ thành công của chuyến bay này, CEO SpaceX cho biết ông không khẳng định Starship có thể đi vào quỹ đạo 100% nhưng có thể đảm bảo “sự phấn khích”. Ông dự đoán tên lửa sẽ có 50% cơ hội đến được quỹ đạo theo đúng kế hoạch.

Ngoài ra, ông cũng ước tính khả năng 80% các tên lửa Starship hiện đang được xây dựng tại Starbase có thể đi vào quỹ đạo vào cuối năm 2023. Tuy tên lửa Starship được thiết kế để có thể tái sử dụng, ông dự đoán việc này sẽ mất thêm vài năm nữa.

Trong tương lai gần, SpaceX và tên lửa Starship dự tính sẽ tập trung chủ yếu vào nỗ lực vươn tới Mặt Trăng. Công ty đang có một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD với NASA nhằm giúp các phi hành gia đi tới bề mặt Mặt Trăng vào đầu năm 2025. Đây sẽ là lần đầu tiên các phi hành gia hạ cánh xuống mặt trăng sau hơn 50 năm.

Đầu tiên, các phi hành gia thực hiện sứ mệnh đi bộ trên Mặt Trăng sẽ rời Trái Đất thông qua tàu viên nang Orion và tên lửa SLS, sau đó chuyển sang sử dụng tên lửa cùng tàu vũ trụ Starship trên quỹ đạo mặt trăng để hạ cánh xuống bề mặt vệ tinh này. Sau đó, họ quay trở lại Orion.

Để đến được Mặt Trăng và xa hơn nữa, Starship trước tiên cần tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và công ty đang có kế hoạch xây dựng một kho chứa trên quỹ đạo với các Tàu vũ trụ không có cửa sổ như những tàu chở dầu.

Dù có hợp đồng với NASA, các phi hành gia NASA sẽ không phải người duy nhất sử dụng tên lửa Starship. Một phi hành đoàn tư nhân sẽ là những người đầu tiên bay trên Starship trong một chuyến đi vòng quanh Trái Đất. Sau đó là 2 chuyến bay tư nhân khác tới Mặt Trăng, tuy nhiên những người tham gia sẽ không hạ cánh xuống bề mặt vệ tinh này mà chỉ bay vòng quanh.

Đọc tiếp