Thất bại đầu tiên của các chương trình vũ trụ Trung Quốc năm 2023

Tên lửa TRUNG QUỐC
15:56 - 22/09/2023
Tên lửa Ceres-1 của công ty Galactic Energy của Trung Quốc gặp thất bại sau chuỗi 9 lần phóng thành công ngày 21/9. Ảnh: Ourspace
Tên lửa Ceres-1 của công ty Galactic Energy của Trung Quốc gặp thất bại sau chuỗi 9 lần phóng thành công ngày 21/9. Ảnh: Ourspace
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 21/9, chuỗi 9 lần phóng thành công tên lửa Ceres-1 của công ty vũ trụ Galactic Energy có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã kết thúc, sau khi tên lửa này gặp thất bại trong việc đưa vệ tinh chụp ảnh có độ phân giải cao Gaofen-04B vào quỹ đạo.

Theo SCMP trích dẫn thông báo trên tài khoản WeChat chính thức của công ty tên lửa thương mại Trung Quốc Galactic Energy, “hiệu suất bất thường được phát hiện trong quá trình bay của tên lửa và nguyên nhân cụ thể vẫn đang được phân tích và điều tra sâu hơn”. Công ty đưa ra thông báo này 6 tiếng sau khi tên lửa Ceres-1 được phóng từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền tại sa mạc Gobi lúc 12h59 ngày 21/9 theo giờ Bắc Kinh.

Cũng trong tuyên bố của mình, Galactic Energy còn gửi lời “chân thành xin lỗi” tới các khách hàng của sứ mệnh và “những người bạn đã quan tâm và ủng hộ chúng tôi”. Công ty khẳng định “tôn trọng công nghệ vũ trụ” và “sẽ làm việc chăm chỉ để xác định nguyên nhân và phóng lại Ceres-1 để đảm bảo các sứ mệnh tiếp tục thành công trong tương lai”.

Ceres-1 có đường kính 1,4m, dài khoảng 20m, khối lượng cất cánh khoảng 33 tấn và tầng trên sử dụng nhiên liệu đẩy lỏng. Nó có thể đưa 400 kg lên quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO) hoặc 300 kg lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao 500 km. Nỗ lực ngày 21/9 là lần phóng đầu tiên tới quỹ đạo 800 km.

Nhiệm vụ mới nhất của Ceres-1 là đưa vệ tinh Gaofen-04B được chế tạo bởi công ty Changguang Satellite Technology (CGST) ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc với hệ thống hình ảnh nhẹ và độ phân giải được báo cáo là tốt hơn 50 cm, tới Cát Lâm – 1. Đây là mạng lưới vệ tinh quan sát Trái Đất lớn nhất thế giới của Trung Quốc với hơn 100 vệ tinh trên quỹ đạo tính tới hiện tại.

Việc xây dựng mạng lưới Cát Lâm - 1 bắt đầu ngay sau khi CGST được thành lập vào năm 2014 với tư cách là một nhánh của Viện Quang học, Cơ học và Vật lý Trường Xuân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Sự thất bại của tên lửa Ceres-1 vốn có hiệu suất cao và là một trong những tên lửa thương mại hoạt động tốt nhất tại Trung Quốc kể từ chuyến bay đầu tiên hồi tháng 11/2020 được coi như một bước lùi. Vụ phóng Ceres-1 ngày 21/9 là sứ mệnh quỹ đạo lần thứ 44 của Trung Quốc vào năm 2023 và là thất bại đầu tiên đối với chương trình không gian của nước này trong năm nay.

Tuy nhiên, thất bại này được đánh giá là không gây ảnh hưởng tới việc mở rộng Cát Lâm – 1. Trước đây, việc phóng các vệ tinh lên mạng lưới Cát Lâm -1 được tiến hành thông qua nhiều loại tên lửa thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, bao gồm Trường Chinh, Kuaizhou và Hyperbola. Trong khi một số sứ mệnh Kuaizhou và Hyperbola không đạt được quỹ đạo thì tất cả các vụ phóng bằng tên lửa Trường Chinh đều thành công.

Vào tháng 6 vừa qua, tên lửa Trường Chinh 4D đã lập kỷ lục quốc gia về số lượng vệ tinh được phóng lên trong một lần khi đưa 41 vệ tinh Cát Lâm – 1 Gaofen-06A vào quỹ đạo Trái Đất thấp. Tới năm 2025, Cát Lâm - 1 dự kiến sẽ tăng số vệ tinh lên ngưỡng 300 nhằm cung cấp dịch vụ hình ảnh có độ phân giải cao từ khảo sát tài nguyên đất đai đến lập kế hoạch cứu trợ thiên tai và xây dựng thành phố thông minh.

Đọc tiếp