Thị giá giảm 60-70% từ đỉnh, loạt công ty lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ

Cổ Phiếu DOANH NGHIỆP
15:34 - 20/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu, nhiều cổ phiếu rơi mạnh 60 - 70% so với đỉnh, hàng loạt doanh nghiệp có kế hoạch mua vào cổ phiếu quỹ nhằm đỡ giá, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) vừa thông qua chủ trương mua lại cổ phiếu NLG làm cổ phiếu quỹ. Theo đó, NLG sẽ mua lại cổ phiếu với tổng giá trị không vượt quá 1.000 tỷ đồng, trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của công ty.

Trong thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo của NLG cũng liên tục mua vào cổ phiếu của công ty này. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch NLG, đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 18/11 đến ngày 17/12. Hai người con trai của ông Nguyễn Xuân Quang là ông Nguyễn Hiệp và ông Nguyễn Nam cũng đăng ký mua vào với cùng số lượng 1,7 triệu cổ phiếu NLG.

Ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc NLG, đăng ký mua vào 250.000 cổ phiếu, ông Nguyễn Huy Đức, giám đốc tài chính, đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch 18/8/2022, thị giá NLG xuống mức 21.550 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 68% giá trị so với mức đỉnh gần 67.000 đồng/cổ phiếu ghi nhận hồi T1/2022.

Như vậy, tạm tính theo thị giá của NLG, với 1.000 tỷ đồng, công ty này có thể mua vào hơn 46,4 triệu cổ phiếu quỹ.

Tính đến cuối quý III/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của NLG là hơn 2.171 tỷ đồng. Như vậy, nếu dùng toàn bộ 1.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ, phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của NLG sẽ giảm xuống còn hơn 1.171 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 3 của CTCP Đầu tư Nam Long, doanh thu thuần đạt gần 882 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp về bán hàng của Nam Long đạt 207 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, chi phí bán hàng tăng vọt gấp 11,8 lần lên 107 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng tăng 25% lên 160 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế giảm 83%, còn 50,9 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 của Nam Long ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.710 tỷ đồng, tăng 244% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của đơn vị đạt 276 tỷ đồng, giảm tới 61%. So với kế hoạch mục tiêu năm 2022, doanh thu đạt 7.151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.526 tỷ đồng thì sau 9 tháng đầu năm, NLG mới chỉ đạt được 37% kế hoạch doanh thu và 18% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của Nam Long tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng lên 25.525 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho chiếm tới 16.175 tỷ đồng, tăng gần 4% so đầu kỳ, tương ứng chiếm 63% tổng tài sản. Danh mục tồn kho chủ yếu là các bất động sản dở dang (16.142 tỷ đồng), ghi nhận chủ yếu tại các dự án Izumi, dự án Southgate, dự án Paragon Đại Phước, dự án Waterpoint.

Tại thời điểm cuối quý III, dư nợ tài chính của Nam Long đạt 4.595 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm và chiếm 18% trong tổng nguồn vốn. Nợ trái phiếu là 2.517 tỷ đồng, tăng 25%, đến từ 4 lô trái phiếu nhằm mục đích tài trợ và đầu tư cho các dự án.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC) dự kiến chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11 để họp bất thường năm 2022 lần 2 hoặc năm 2023 lần 1, tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn thiện thủ tục.

Nội dung dự kiến là xin ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức 20% bằng tiền hay mua vào cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, tăng giá trị cổ phiếu.

"Việc mua vào lượng lớn cổ phiếu là động thái tích cực khi công ty có dòng tiền tốt. Điều này sẽ tăng giá trị cổ phiếu để đem lại lợi ích chính đáng cho cổ đông khi tình hình thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp", Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm thông tin.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11, cổ phiếu KBC đã giảm 65% từ mức đỉnh 47.000 đồng/cổ phiếu hồi T1/2022 về mức 16.400 đồng/cổ phiếu.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính quý 3/2022 của Kinh Bắc cho thấy, doanh nghiệp đã ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết gần 2.000 tỷ đồng trong quý III, qua đó ghi nhận lãi ròng hơn 1.900 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ ròng hơn 68 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp lãi ròng gần 2.030 tỷ đồng, gấp 3,6 lần số lãi cùng kỳ.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Kinh Bắc cho thấy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận âm hơn 936 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm (cùng kỳ âm hơn 33 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là tăng các khoản phải thu và tồn kho.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Kinh Bắc trên 33.338 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tổng các khoản phải thu (ngắn và dài hạn) trên 11.800 tỷ đồng, chiếm hơn 35% tổng giá trị tài sản; bao gồm phải thu về cho vay trên 3.300 tỷ đồng, tạm ứng nhân viên hơn 1.630 tỷ đồng, phải thu cho thuê đất, nhà xưởng, chuyển nhượng một phần dự án,… hơn 1.400 tỷ đồng. Tồn kho của doanh nghiệp ghi nhận gần 11.980 tỷ đồng, tương đương 36% tổng giá trị tài sản.

Tổng công ty Idico (HNX: IDC) dự kiến vào tháng 12/2022 sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sẽ mua cổ phiếu quỹ.

Tại ngày 30/09/2022, IDC đang có xấp xỉ 330 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, Công ty có hai cổ đông lớn lần lượt là CTCP Tập đoàn SSG và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Bách Việt, chiếm 22,5% và gần 12% số cổ phiếu đang lưu hành, còn lại hơn 216 triệu cổ phiếu do các cổ đông khác nắm giữ.

Động thái muốn mua cổ phiếu quỹ của ban lãnh đạo IDC diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu này vẫn đang trên đà lao dốc dưới sức ép của các yếu tố từ ngành bất động sản và thị trường chứng khoán.

Chốt phiên giao dịch 18/11, cổ phiếu IDC đã tăng lên mức 30.000 đồng/cp, tuy nhiên, so với mức đỉnh 84.000 đồng/cổ phiếu ghi nhận hồi T11/2021, thị giá cổ phiếu này đã giảm gần 64%.

Về kết quả kinh doanh quý III/2022, công ty đạt lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 422 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu IDICO đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 2.365 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ và cũng đã vượt 7% kế hoạch đề ra. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu sau 9 tháng đạt 7.014 đồng. Kết quả kinh doanh kỳ này của IDICO tăng mạnh một phần cũng do ghi nhận doanh thu tại một số hợp đồng cho thuê lại đất đã đáp ứng điều kiện ghi nhận một lần thay vì phân bổ nhiều kỳ.

IDICO cũng sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, sẵn sàng nguồn lực mua cổ phiếu quỹ. Tại ngày 30/9/2022, tiền và các khoản tiền gửi của doanh nghiệp đạt xấp xỉ 2.300 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng tài sản của IDICO.

Tính đến thời điểm cuối quý III/2022, tổng tài sản IDC đạt 16.200 tỷ đồng. IDICO sử dụng nguồn vốn vay hơn 9.863 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn gần 4.110 tỷ đồng. Các khoản vay và nợ thuê tài chính xấp xỉ 3.710 tỷ đồng, chiếm 22,8% trong cơ cấu nguồn vốn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.