Thị trường Ấn Độ rộng lớn đang ngày một khắt khe hơn

XUẤT KHẨU Việt nAM
14:32 - 07/04/2022
Thị trường Ấn Độ rộng lớn đang ngày một khắt khe hơn
0:00 / 0:00
0:00
Dù vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhưng Ấn Độ không còn là thị trường dễ tính vì những quy định siết chặt hàng rào thuế quan và quy định xuất xứ hàng hóa với nước đối tác, nhằm tránh trục lợi, trốn thuế. 

Hiện nay, trước các biến động kinh tế - xã hội toàn cầu, bên cạnh xu hướng toàn cầu hóa, các quốc gia hiện càng quan tâm hơn đến việc kết nối, hợp tác song phương trong khu vực. Vì vậy, việc tạo các liên kết, mắt xích, giữa các quốc gia nhằm chuyển dịch chuỗi cung ứng trong khu vực là điều cần thiết. Việt Nam và Ấn Độ cũng không ngoại lệ trong xu hướng này.

Ngoài ra, nhằm tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu Covid cũng như thực hiện việc thay đổi chính sách mỗi 5 năm 1 lần, Chính phủ Ấn Độ đang có những chính sách mới, rất khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài.

Ấn Độ thắt chặt kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhằm hạn chế trốn thuế

Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Ấn Độ trên toàn cầu và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN. Thương mại hai chiều đã đạt trên 10 tỷ USD trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Ấn Độ đang đối mặt với tình hình thâm hụt thương mại nghiêm trọng tại đa phần các thị trường thương mại chính, do xăng dầu của nước này phần lớn là từ nguồn nhập khẩu. Vì vậy, Chính phủ Ấn Độ đang có các biện pháp nhằm hạn chế việc nhập siêu từ các quốc gia khác và cải thiện tình hình thâm hụt thương mại. Đây cũng là một trong những lý do quốc gia này rút khỏi Hiệp định RCEP ngay trước khi hiệp định được ký kết.

Quy tắc Hải quan (Quản lý Quy tắc Xuất xứ theo Hiệp định Thương mại), năm 2020 (CAROTAR, 2020), được Ban Thuế Trung ương và Hải quan Ấn Độ thông báo vào ngày 21/8/2020, có hiệu lực từ ngày 21/9/2020. CAROTAR 2020 nhằm bổ sung các thủ tục chứng nhận hoạt động hiện có được quy định trong các hiệp định thương mại khác nhau như Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Hiệp định Thương mại Ưu đãi, Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện.

Vì vậy, bên cạnh những chính sách khuyến khích vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, để giải quyết vấn đề nhập siêu, Ấn Độ đã ban hành những chính sách thắt chặt kiểm tra xuất xứ hàng hóa đối với các sản phẩm nhập khẩu được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do. Đó là bộ Quy tắc Hải quan năm 2020 (CAROTAR 2020).

Theo đó, quy định đối với hàng hóa là nông sản, động vật sống, các sản phẩm xuất phát từ quá trình chăn nuôi thì cần thiết phải được sản xuất hoàn toàn ở nước xuất khẩu, từ giống cho tới quá trình nuôi lớn và chế biến xuất khẩu đều phải thực hiện tại quốc gia xuất khẩu.

Còn đối với các sản phẩm công nghiệp chế biến khác thì có thể được nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện thô từ các nước khác và sản xuất, lắp ráp tại nước xuất khẩu. Tuy nhiên, mức độ nội địa hóa của nguyên liệu, linh kiện thô phải trên 35% thì sản phẩm đó mới có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Điều này nhằm tránh việc hàng hóa của Trung Quốc hoặc các nước khác bên ngoài khối “đi đường vòng” vào các nước ASEAN nhằm hưởng ưu đãi thuế quan.

Ông Yogesh Gaba, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp về Hải quan, Thuế vụ, cho biết thêm, đối với các quốc gia cùng ký một Hiệp định thương mại tự do (như khối ASEAN với Hiệp định ATIGA) thì thì mức độ nội địa hóa có thể được cộng gộp giữa các nước thành viên. Nghĩa là các nước thành viên có thể chia nhau lắp ráp, sản xuất từng công đoạn, và mức độ nội địa hóa của tất cả các công đoạn cộng gộp vào trên 35% thì sản phẩm đó có thể được hưởng mức ưu đãi thuế quan.

Ngoài ra, các quy định về Giấy chứng nhận xuất xứ cũng chặt chẽ hơn, đối với các công ty sử dụng giấy chứng nhận giả hoặc sử dụng thông tin sai lệch, Hải quan Ấn Độ sẽ không chấp nhận áp dụng ưu đãi thuế quan cho bất cứ mặt hàng nào của công ty đó nữa.

Ấn Độ vẫn là thị trường tiềm năng

Mặc dù bối cảnh hiện khó khăn hơn, kim ngạch song phương Việt Nam - Ấn Độ vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, tăng gấp khoảng 4 lần từ hơn 2,1 tỷ USD năm 2010 lên hơn 9 tỷ USD năm 2020, tăng trưởng trung bình 16%/năm.

Dù sụt giảm trong năm 2020 do dịch bệnh, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2021 đã có sự phục hồi đáng kể. Kim ngạch song phương tăng trưởng tới 37%, lên 13,5 tỷ USD, rất gần với mục tiêu 15 tỷ USD mà Lãnh đạo Cấp cao đã đặt ra.

Cơ cấu mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ cũng đang có sự thay đổi thích nghi, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn luôn dẫn đầu, nhưng cũng đã có sự chuyển dịch, giảm dần tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI như máy tính, điện thoại và tăng tỉ trọng các mặt hàng khác như hóa chất, chất dẻo nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng khiến Ấn Độ gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng, nguyên phụ liệu từ các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu ngành may, da giày và nguyên phụ liệu ngành may da giày có sự tăng trưởng khả quan.

Trong thời gian này, khi tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp khó khăn do các biện pháp phòng chống dịch từ Trung Quốc, các cơ quan thương mại Việt Nam đã tích cực xúc tiến xuất khẩu nông sản sang các thị trường khác của Việt Nam, trong đó có Ấn Độ, và đã có được kết quả tốt.

Vì vậy, đây có thể là cơ hội đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Ấn Độ, nhằm đa dạng thị trường và giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mặt hàng thanh long là mặt hàng hoa quả duy nhất của Việt Nam được xuất khẩu vào Ấn Độ và đã có được chỗ đứng trên thị trường.

Theo bà Lê Thị Mai Anh, đại diện Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), việc giao thương rất quan trọng với sự hồi phục sau đại dịch của cả hai nước, vì vậy, cần đẩy mạnh kết nối, lưu thông dễ dàng hơn, thông qua việc mở đường bay thẳng, các chuyến vận chuyển thẳng từ Việt Nam tới Ấn Độ và ngược lại. Đồng thời cần đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu, kết nối chuỗi cung ứng trong thị trường, với nhiều dư địa phát triển cho nông sản Việt Nam.

Bà cũng dành ra 4 lưu ý cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường đó chính là cần tiếp cận các thông tin về thị trường Ấn Độ, xác định các mặt hàng, nắm bắt thông tin, quy trình xuất nhập khẩu của nước bạn, chọn đúng đối tượng hợp tác và lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp. Bà cũng khuyên các doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ thông tin về các doanh nghiệp đối tác và thông qua các cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ để được hỗ trợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp