Vụ lừa xuất khẩu điều sang Italy: Doanh nghiệp Việt không mất một hạt điều nào

XUẤT KHẨU Việt nAM
08:02 - 06/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tất cả 35 container bị mất kiểm soát chứng từ đã được cảnh sát Italy giữ lại tại cảng, không trao trả cho bất cứ người nhận nào. Trong đó, có 20 container đã được xuất khẩu sang các đối tác mới tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan hoặc chính tại Italy. 

Đây là thông tin được ông Nguyễn Đức Thanh, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy thông báo trong cuộc họp Giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước quý I/2022 do Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức chiều ngày 5/4.

Trước đó hồi đầu tháng 3, Thương vụ đã nhận được thông tin về vụ việc 6 doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng xuất khẩu với 5 doanh nghiệp tại Italy thông qua công ty môi giới Kim Hạnh do một người Việt sinh sống tại Mỹ thành lập. Theo đó, tổng giá trị của những hợp đồng này là 20 triệu USD, gồm 100 container nhân điều.

Khi nhận được những tín hiệu đáng ngờ trong việc thanh toán với ngân hàng đối tác, đã có 74 container phía Việt Nam đang trên đường đến Italy và sẽ cập bến trong tháng 3, trong đó, có 35 container đã mất kiểm soát do thất lạc bộ chứng từ gốc. Mà theo luật quốc tế, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể được nhận hàng.

Thương vụ Việt Nam đã ngay lập tức làm việc với luật sư và các đơn vị liên quan như cảnh sát, cán bộ cảng, các đơn vị vận chuyển tại thành phố Napoli, Italy, nơi phần lớn container trong số những container bị lừa đảo kể trên sẽ cập bến. Nhờ phản ứng nhanh của Thương vụ và sự hợp tác cung cấp đầy đủ thông tin của các doanh nghiệp trong nước để đệ đơn kiện vụ việc này lên tòa án tại Italy nên các container hàng đã được hỗ trợ giữ lại tại cảng và không giao cho người người nhận dù có bộ chứng từ gốc.

Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Italy làm việc với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli. Ảnh: TTXVN

Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Italy làm việc với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli.

Ảnh: TTXVN

Như vậy, các doanh nghiệp Việt đã không mất một lô hạt điều nào mà chỉ tổn thất về chi phí vận chuyển và chi phí lưu kho trong những ngày nằm chờ tại cảng, đây là kết quả đáng mừng cho vụ việc này.

Đến nay, phía Việt Nam đã lấy lại quyền kiểm soát 12 lô hàng thông qua việc chứng minh người nhận không có liên quan gì tới những lô hàng này, thậm chí còn chưa từng mua hàng với Việt Nam. Theo ông Thanh, một vài container trong số 12 lô hàng này đã được bán cho những đối tác khác bằng cách đặt cọc trước 110% giá trị lô hàng cho phía ngân hàng và cảng để có thể xuất được hàng khi không có bộ chứng từ gốc. 3 container đã được thông báo với phía vận chuyển và đang quay trở lại Việt Nam từ các cảng trung chuyển.

Ngoài ra, đại diện Thương vụ cũng thông báo một tin vui, trong số những container bị lừa đảo này, đã có 20 container được xuất khẩu tới các đối tác mới tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan hoặc chính tại Italy. Thương vụ Việt Nam tại Italy đang hỗ trợ kết nối, xúc tiến các đối tác tại khu vực cho những lô hàng còn lại.

Ngoài ra, ông Thanh cũng chia sẻ, trong gần 1 tháng qua, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã nỗ lực đi khắp các vùng miền tại đất nước này để tìm hiểu thông tin cụ thể về các đối tác đã ký hợp đồng này với các công ty Việt Nam. Qua điều tra, xác nhận được rằng phần lớn các công ty chỉ là công ty nhỏ, hầu như chưa từng có kết nối với Việt Nam. Ngoài ra, Thương vụ cho biết dù đã đến tận nơi, nhưng vẫn không thể làm việc được với chủ của những công ty này và thường bị trốn tránh.

Thông qua vụ việc lần này, ông Nguyễn Đức Thanh cũng muốn gửi lời khuyên tới các doanh nghiệp khi tham gia thương mại quốc tế, cần phải trang bị cho mình những kiến thức, thông tin đầy đủ, đặc biệt là về các đối tác giao dịch với mình. Các doanh nghiệp cần xác định chính xác địa chỉ, số điện thoại, email của đối tác, nên gọi điện video để nhận dạng được đối tác. Thậm chí, với những đơn hàng lớn, ông Thanh khuyên các doanh nghiệp nên cử người đi tới tận nơi để làm việc trực tiếp với các đối tác, tạo dựng lòng tin và khảo sát thị trường.

Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp gặp bất cứ vấn đề nào trong khi giao dịch hoặc thấy bất cứ dấu hiệu đáng ngờ nào, đều có thể liên hệ với các Thương vụ Việt Nam, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ xác minh thông tin đối tác, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng” sẽ gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và các cơ quan Thương vụ khi hỗ trợ.

Bên cạnh đó, theo ông Thanh, việc lừa đảo thì thị trường nào cũng sẽ có, vì vậy doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức thanh toán cho phù hợp, nhất là với các đối tác mới. Các đối tác cần đặt cọc trước khi bên ta chuyển hàng, có thể là 10% đối với các đơn hàng trị giá rất lớn, và 30% với những đơn hàng trị giá nhỏ. Khoản tiền cọc sẽ là một phần bảo đảm cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh tại thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Italy dự định ra mắt cẩm nang về thị trường, trong đó, có đề cập kĩ tới vấn đề lừa đảo trong thương mại quốc tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp