Thị trường Rằm tháng Giêng: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

Tiêu dùng HÀ NỘI
07:28 - 23/02/2024
Nguồn cung dồi dào nên hầu hết giá bán các mặt hàng dịp Rằm tháng Giêng giữ ở mức ổn định. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.
Nguồn cung dồi dào nên hầu hết giá bán các mặt hàng dịp Rằm tháng Giêng giữ ở mức ổn định. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Rằm tháng Giêng năm nay, thị trường hàng hoá, đồ cúng lễ tại các chợ Hà Nội diễn ra sôi động. Hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu giữ ở mức ổn định, không xảy ra tình trạng "chặt chém".

Rằm tháng Giêng được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong một năm theo Âm lịch, diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán. Cũng chính vì quan niệm "cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" nên sức mua của người tiêu dùng ở thời điểm này tăng cao hơn ngày thường.

Thực phẩm đa dạng, giá dần hạ nhiệt

Mekong ASEAN ghi nhận thực tế tại một số chợ đầu mối và dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Trương Định (quận Hoàng Mai), chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), chợ đầu mối phía Nam Hà Nội (quận Hoàng Mai)... cho thấy, giá cả mặt hàng tươi sống khá ổn định.

Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng gia cầm cho biết, mặc dù nhu cầu mua gà cúng Rằm tháng Giêng tăng cao nhưng giá bán đã giảm nhẹ so với dịp trước Tết, hiện ở mức 150.000 - 170.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng thịt lợn như móng giò, ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức từ 130.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò như diềm thăn, thăn, bắp…có giá từ 240.000 - 330.000 đồng/kg.

Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống mới ổn định giá mà mặt hàng rau, hoa quả cũng trong tình trạng tương tự mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh.

Sức mua tăng mạnh, nhưng vẫn ghi nhận sự bình ổn về giá cả trong một số mặt hàng quả, trái cây. Cụ thể, hiện táo có giá 35.000 - 40.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 50.000 - 80.000 đồng/kg; cam sành 35.000 - 65.000 đồng/kg; quả phật thủ dao động 50.000 - 100.000 đồng/quả; thanh long đỏ 75.000 - 80.000 đồng/kg, thanh long trắng có giá 65.000 - 75.000 đồng/kg. Ngay cả mặt hàng Chuối tiêu xanh cũng giảm so với những ngày sát Tết Nguyên đán 2024, từ 80.000 - 100.000 đồng/nải xuống chỉ còn 30.000 - 45.000 đồng/nải.

Đặc biệt, mặt hàng hoa tươi ghi nhận lượng tiêu thụ cao trong thời điểm này. Chị Thu Hằng, một tiểu thương kinh doanh hoa tươi tại chợ đầu mối phía Nam cho biết, giá hoa tươi dịp Rằm tháng Giêng tuy có giảm so với đợt Tết nguyên đán, nhưng không đáng kể.

Giá hoa hồng những ngày sát Tết khoảng 17.000-20.000 đồng/bông đối với loại có cành lộc thì đến nay chỉ còn 10.000-12.000 đồng/bông; hoa cúc vàng và trắng tăng từ 5.000 đồng/bông lên 6.500 - 7.000 đồng/bông; hoa cau 15.000 đồng/nhánh…

Thời điểm này, tuy giá rau xanh đã dần "giảm nhiệt". Hiện cải chíp, bắp cải 15.000/kg, hoa lơ xanh 10.000 đồng/cái, hoa lơ trắng 15.000 đồng/cái, rau cần 10.000 đồng/mớ, su hào 10.000 đồng/củ. Song một số mặt hàng rau ăn kèm như hành lá lên 55.000-60.000 đồng/kg.

Ngoài ra, chuẩn bị cho ngày Rằm tháng Giêng năm nay, đồ cúng thả phóng sinh cũng được bày bán khá nhiều tại chợ truyền thống. Giá lươn, chạch sống khoảng 70.000 - 100.000 đồng/kg, ốc từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Dịch vụ đặt cỗ 'lên ngôi'

Hàng hóa dồi dào với giá cả hạ nhiệt so với đợt trước Tết nên không khí mua sắm của người dân dịp Rằm tháng Giêng diễn ra rất nhộn nhịp. Bà Trần Thị Nhung (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Các cụ vẫn dạy 'cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng', vì vậy dù giá có đắt hơn ngày thường thì người dân cũng không quá so đo, bởi ai cũng muốn có một mâm cúng tổ tiên thật tươm tất, đủ đầy".

Ngoài việc tự đi mua sắm, dịch vụ đặt nấu cỗ và giao tại nhà vừa ngon vừa tiện lợi được xem là giải pháp mà không ít gia đình lựa chọn trong ngày Rằm Tháng Giêng.

Do công việc bận rộn, thường xuyên về nhà muộn nên từ nhiều năm nay, gia đình chị Ngọc Sang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lựa chọn đặt mâm cỗ cúng rằm thay cho việc tự tay nấu nướng, bày biện. Dịp Rằm tháng Giêng này, chị Sang đã cẩn thận lên thực đơn và gửi sớm cho nhà hàng quen để nhân viên chuẩn bị, mang đến lúc 10h sáng.

"Tôi hay đặt cỗ của một nhà hàng quen, họ làm rất bài bản và chu đáo, cứ đến sáng ngày rằm là sẽ có nhân viên giao đến tận nhà. Mâm cỗ có giá khá phải chăng, hơn 1 triệu đồng với đầy đủ các món như gà hấp lá chanh, nem rán, canh mọc nấm, xôi ngũ sắc, giò chả....", chị Sang nói thêm.

Nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu khách hàng, nhiều cá nhân cũng như các quán ăn cung cấp dịch vụ đặt cỗ cúng đã sớm lên thực đơn trên các nền tảng Facebook, Zalo... để khách hàng lựa chọn và đặt hàng.

Theo khảo sát của Mekong ASEAN, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng có giá từ 1-1,8 triệu đồng/mâm tùy yêu cầu của khách hàng.

Chị Ngọc Lý (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) - một tài khoản chuyên nhận nấu cỗ cúng trên Facebook cho biết, dịp Rằm tháng Giêng năm nay, lượng khách đặt đơn giao hàng tăng vọt. Hiện cửa hàng chị Lý đã nhận được hơn 200 đơn hàng, cao gấp 4-5 lần so với ngày thường. So với năm ngoái, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm nay hầu như giá không đổi.

"Năm nay, khách đặt mâm cỗ cúng bên tôi khá sớm, ngay từ mùng 8 Tết đã có khách liên hệ đặt rồi. Có thể là do Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào thứ 7, nhiều công nhân viên chức họ vẫn phải đi làm bình thường nên không có thời gian đi chợ buổi sớm để làm đồ", chị Lý thông tin.

Bên cạnh mâm lễ mặn truyền thống, mâm cỗ chay và mâm cỗ ngọt cũng được người tiêu dùng chọn lựa bởi hình thức bắt mắt, phù hợp với nhiều khẩu vị.

Đọc tiếp