Thiếu vốn trầm trọng ở các dự án lưới điện

điện lực Việt nAM
00:16 - 08/01/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều dự án của EVN chậm tiến độ do thiếu vốn trong khi nhu cầu lưới điện tăng cao, nhưng cơ chế để thu hút đầu tư cho các dự án nhà máy điện lẫn hệ thống truyền tải lại chưa được rõ ràng.

Theo báo cáo của Ban Kế hoạch EVN, trong 9 tháng năm 2021, tập đoàn đã đưa vào vận hành 2/2 dự án nguồn điện là Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum và Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim mở rộng; đồng thời hoàn thành cụm công trình cửa xả Nhà máy Thuỷ điện tích năng Bác Ái.

Tập đoàn cũng khởi công 2/4 dự án nguồn điện, đó là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng và Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng.

Về lưới điện, EVN đã khởi công 85 công trình và đóng điện 80 công trình 110-500 kV. Trong đó có nhiều công trình trọng điểm như đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2, đường dây 500 kV Mỹ Tho-Đức Hòa, đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, đường dây 220 kV Mường Tè-Lai Châu…

Mặc dù vậy, theo đánh giá của EVN, công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng của tập đoàn và các đơn vị thành viên vẫn gặp nhiều khó khăn, một số dự án chậm hoặc có nguy cơ chậm tiến độ. Ngoài nguyên nhân từ dịch bệnh, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng… thì thiếu vốn cũng là vấn đề đáng quan ngại.

EVN cho biết, trong công tác huy động vốn, các ngân hàng trong nước phần lớn đều đã vượt giới hạn tín dụng đối với tập đoàn. Bên cạnh đó, với quy định hiện hành của Nghị định 56/2020/NĐ-CP, EVN cũng đang gặp khó khăn khi thực hiện vay vốn nước ngoài và phải đợi sửa đổi, bổ sung mới có thể tiếp tục thực hiện.

Thêm nữa, giá một số vật liệu xây dựng, giá kim loại tăng cao, làm tăng chi phí đầu tư các dự án và dẫn đến công tác đấu thầu của các gói thầu phải thực hiện nhiều lần do vượt dự toán, thậm chí một số gói thầu không có nhà thầu tham dự...

Thủy điện Thượng Kon Tum.

Thủy điện Thượng Kon Tum.

Hệ thống lưới điện quá tải

Trong năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu phụ tải điện cũng giảm sâu; ngành điện vì thế cũng có phần thư thả. Tuy nhiên sau khi dịch từng bước được khống chế, Chính phủ có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khởi động lại nền kinh tế thì ngành điện sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế.

Mặt khác, khi Bộ Công Thương triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), các địa phương liên tục đề nghị bổ sung quy hoạch hàng trăm dự án nguồn điện với quy mô công suất lớn. Trong đó chủ yếu là các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Việc đề xuất phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo là xu hướng tích cực trong bối cảnh Việt Nam đã đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, tăng sử dụng năng lượng sạch và giảm nhiệt điện than tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26). Nhưng điều đáng nói là các văn bản đề xuất của các tỉnh, nhà đầu tư đều tập trung đề xuất dự án về nguồn điện. Còn việc phát triển lưới truyền tải đồng bộ với nguồn điện theo từng giai đoạn để giải tỏa công suất lại chẳng ai mặn mà.

Hệ thống lưới điện của Việt Nam đang quá tải.

Hệ thống lưới điện của Việt Nam đang quá tải.

Thực tế phát triển nhanh các dự án điện mặt trời, điện gió trong 3 năm qua đã bộc lộ hạn chế trong đầu tư khi lưới truyền tải chưa theo kịp tốc độ xây dựng. Hệ thống lưới điện nhiều thời điểm đầy tải, quá tải khiến các dự án phải cắt giảm công suất để tránh sự cố.

Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nhiều công trình lưới điện quan trọng dự kiến đóng điện giai đoạn 2021-2025 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn còn đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi. Nếu không được bổ sung các dự án mới, nguy cơ cắt giảm phụ tải vào các giờ cao điểm sẽ tiếp tục xảy ra và kéo dài. Trong khi đó, việc thu xếp vốn xây dựng các dự án truyền tải lên đến cả tỷ USD mỗi năm không phải là chuyện đơn giản.

Từ thực trạng trên, việc gỡ cơ chế để thu hút nhà đầu tư vào ngành điện trở thành vấn đề cấp thiết hiện tại. Hiện Điều 4 của Luật điện lực quy định "Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải", song lại chưa phân định rõ việc độc quyền ở các khâu nào. Mặt khác, nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã định hướng chủ trương thực hiện xã hội hoá hoạt động truyền tải, cho phép kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện. Có thể thấy, việc cơ chế chưa rõ ràng chính là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư còn e dè trước lĩnh vực này.

Từng bước xoá độc quyền của EVN

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện lực trong phiên sáng qua (6/1), ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, xã hội hoá trong truyền tải điện là vấn đề rất quan trọng. Dự thảo luật có nêu quy định “Nhà nước độc quyền trong vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”.

“Vấn đề đặt ra là khả năng thu hút xã hội hoá trong lĩnh vực truyền tải điện mà Nhà nước không độc quyền thì truyền tải được đến đâu? Và quan trọng hơn là chúng ta định thu hút vào lĩnh vực truyền tải điện ở phạm vi như thế nào thì chưa có”, ông Giang nêu vấn đề.

Ông Trần Văn Khải - đại biểu đoàn Hà Nam, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cũng cho rằng, cần phải sửa đổi một số quy định liên quan đến truyền tải điện để mở ra cơ chế cho tư nhân tham gia.

Theo đại biểu này, sự bùng nổ của năng lượng tái tạo giúp bổ sung thêm khoảng 27.000MW. Nhưng đáng tiếc quy hoạch không đồng bộ, phù hợp với tiến độ xây dựng lưới truyền tải điện; dẫn tới nhiều dự án xây dựng xong không đấu nối được, gây khó khăn cho doanh nghiệp, bức xúc xã hội. Trong khi đó, việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực được xem là "độc quyền" tự nhiên rất khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể.

Thực tế đã có một số nhà đầu tư tư nhân coi lưới điện truyền tải là một hạng mục trong tổng dự án. Tuy nhiên do không có quy định cụ thể về quyền đấu nối nên họ phải tự thỏa thuận, tự bỏ chi phí rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỉ mới được cấp quyền.

Cùng thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện khó khăn, vướng mắc chính là giải toả công suất của các nhà máy điện gió, tiếp đến là khai thác tiềm năng ở các vùng và đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng của cả nước.

Từng bước xoá độc quyền của EVN là điều chắc chắn phải làm, đây là chuyện phải khẳng định rõ ràng. A0 hiện nằm ở EVN nên tác động của EVN còn lớn, nay mai khi tách ra độc lập là một thành viên và dưới sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Bộ Công Thương thì câu chuyện nó sẽ khác. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Nhà nước độc quyền trong điều độ điện, tức là điều độ điện cho đất nước, cho vùng miền, do Trung tâm điều độ hệ thống điện lực Quốc gia (A0) thực hiện dưới sự chỉ huy trực tiếp là EVN. Tuy nhiên thời gian tới, khi tách Trung tâm này hoạt động độc lập thì Bộ Công Thương sẽ phụ trách chỉ huy.

Còn về phạm vi giao cho tư nhân đầu tư xây dựng quản lý vận hành điện, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, phạm vi cho phép là chỉ đầu tư vào hệ thống đường dây và trạm biến áp từ 220 kV trở xuống. Còn đối với 220kV trở lên ở những vùng trọng điểm, trọng yếu về kinh tế, quốc phòng cho đến các hệ thống truyền tải cao áp 500 KV thì thuộc phạm vi của Nhà nước.

“Dù là Nhà nước hay tư nhân đầu tư thì đều phải tuân thủ theo quy định về đầu tư, về xây dựng, điều độ và vận hành hệ thống điện theo tiêu chuẩn an toàn”, ông Diên cho hay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.