Thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 tăng 10,8% so với cùng kỳ

Thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 tăng 10,8% so với cùng kỳ
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tháng 2/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng; trong khi đó, tổng chi ước đạt 106,3 nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 2/2022 ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nội địa tháng 2/2022 ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 270,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán năm và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thu từ dầu thô tháng 2/2022 ước đạt 4.900 tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 8.060 tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán năm và tăng 57,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá cả và sản lượng dầu thô tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tính riêng trong tháng 2/2022, giá trị xuất khẩu dầu thô tăng gần 280% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu dầu thô tăng 141% so với 2 tháng đầu năm 2021

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 2/2022 ước đạt 19 nghìn tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 45 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán năm và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, từ tháng 2/2022, nghị định số 15 của Chính phủ chính thức có hiệu lực.Theo đó, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm 2% trong năm 2022, xuống còn 8%.

Bên cạnh đó, Nghị định 15 cũng cho phép tính khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng chống dịch Covid-19 vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Do đó, thu ngân sách nhà nước trong tháng 2/2022 bị ảnh hưởng đáng kể.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 2/2022 ước đạt 106,3 nghìn tỷ đồng

Theo đó, lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 2 tháng đầu năm đạt 163,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán năm và tăng 0,9%; chi đầu tư phát triển đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% và tăng 89,9%; chi trả nợ lãi 20,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% và giảm 4,3%.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 đạt 8,8% so với kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 02/2022 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng lưu ý là trong tháng 2, vốn Trung ương quản lý giải ngân được 3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%; vốn địa phương quản lý giải ngân được 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%.

Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 8% và tăng 13,6%)

Về dự toán thu ngân sáchnhà nước năm 2022: Thu ngân sách trung ương là 739,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,36% tổng thu ngân sách nhà nước; dự toán thu ngân sách địa phương 672,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,64% tổng thu ngân sách nhà nước.

Về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Trong số đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 526,1 nghìn tỷ đồng, chi thường xuyên là 1.112,2 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 103,7 nghìn tỷ đồng, các khoản chi còn lại khác là 42,6 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, việc thực hiện Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện từ 1/2 đến hết 31/12/2022. Dự kiến, ngân sách nhà nước năm 2022 giảm thu 51.400 tỷ đồng, chủ yếu do giảm 49.400 tỷ đồng từ việc hạ VAT, còn lại là phần khấu trừ chi phí tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.