Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Cắt giảm thủ tục hành chính, không cắt giảm việc kiểm dịch

Nhập khẩu Việt nAM
15:47 - 24/11/2021
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong hội nhập quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính là đúng, nhưng không có nghĩa là cắt giảm việc kiểm dịch.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong hội nhập quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính là đúng, nhưng không có nghĩa là cắt giảm việc kiểm dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến liên quan đến dự thảo Nghị định kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng 

Dự thảo “Nghị định quy định về Cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” do Tổng Cục Hải quan chủ trì xây dựng đưa ra nhiều thay đổi về phương thức kiểm tra hàng hóa nhập khẩu.

Dự thảo Nghị định có nhiều bất cập với thực tiễn

Chiều 23/11, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị góp ý về dự thảo nghị định này. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục thú y khẳng định một số nội dung của dự thảo nghị định chưa phù hợp với Luật Thú y, chưa khoa học và phù hợp với thực tiễn.

Ông Long cho biết, dự thảo Nghị định chưa thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 về việc phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (Quyết định 38/QĐ-TTg).

Ảnh tác giả

Tại Quyết định 38/QĐ-TTg, phạm vi của đề án không bao gồm “Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ NN&PTNT quản lý”. Bộ NN&PTNT cũng đã có nhiều văn bản góp ý đưa quy định này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định cho phù hợp với phạm vi tại Quyết định 38/QĐ-TTg

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục thú y.

Về phạm vi điều chỉnh, Phó Cục trưởng Cục thú ý chỉ ra, trong dự thảo nghị định ngày 1/11 gửi Thủ tướng xin ý kiến các thành viên Chính phủ, trong điều 1 không có nội dung liên quan đến kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu, tương tự nhiều điều khoản khác cũng không đề cập đến kiểm dịch nhập sản phẩm động vật. Tuy nhiên, Điều 7, Điều 25 và Điều 26 của dự thảo Nghị định lại có các nội dung quy định kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu nhưng không phù hợp với Luật Thú y, chưa bảo đảm yêu cầu về khoa học, thực tiễn.

Về thẩm quyền, ông Long cho rằng nếu giao cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành không đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành như Luật thú y.

Cũng theo ông Long, hiện nay thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm khác do Bộ NN&PTNT quản lý đã được tích hợp. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu chỉ cần nộp một bộ hồ sơ với một mẫu đơn tích hợp và nhận một kết quả kiểm tra.

Ông Long đề xuất tiếp tục thực hiện các quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn chi tiết của Luật thú y.

"Không đưa hàng hóa là sản phẩm động vật nhập khẩu vào nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định và bỏ nội dung liên quan đến sản phẩm động vật nhập khẩu tại điều 7, điều 25 và điều 26 của dự thảo nghị định này", ông Long đề xuất.

Đồng tình với ý kiến của Phó Cục trưởng Cục thú y, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho rằng, dự thảo Nghị định có điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi nhiều loại hàng hóa hiện nay doanh nghiệp được phép đưa về kho, các kho của doanh nghiệp phân tán tại nhiều địa điểm, các tỉnh khác nhau, do vậy việc cập nhật biên bản lấy mẫu trong vòng 2 giờ đồng hồ là khó khả thi.

Ảnh tác giả

Thực tế, hàng hóa được nhập khẩu về nhiều cảng khác nhau, có cảng ở xa tới hàng trăm km so với phòng thí nghiệm, việc tổ chức kiểm dịch, lấy mẫu kiểm dịch, lập biên bản, xét nghiệm mất rất nhiều thời gian. Với những lô hàng trong các cảng, cán bộ kiểm dịch cũng phải lấy mẫu cho nhiều lô hàng, của nhiều chủ hàng, do vậy mất nhiều thời gian

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco

Theo Chủ tịch Tập đoàn Dabaco, nếu tổ chức thực hiện theo các nội dung của dự thảo Nghị định, sẽ có nguy cơ rất lớn các dịch bệnh nguy hiểm từ các nước xâm nhiễm vào Việt Nam.

"Dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do vậy, cơ quan kiểm dịch phải tra cứu, kiểm tra, đối chiếu thông tin về tình hình dịch bệnh tại nước xuất khẩu, thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu", ông So quan ngại.

Ông Nguyễn Văn Bách, tổng giám đốc Công ty Amavet, cho hay trong dự thảo nghị định này gần như không đề cập đến việc kiểm soát dịch bệnh động thực vật, kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Tôi thấy dự thảo miễn kiểm tra, kiểm dịch rất nhiều nên nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong tương lai", ông Bách nói.

Tiếp tục triển khai những nội dung của Luật Thú y

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, dư địa ngành chăn nuôi, thủy sản của nước ta còn rất lớn và tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP (nay là Nghị quyết 02/NQ-CP) là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, nếu không có kiểm soát về nhập khẩu, trong khi xuất khẩu vẫn bị kiểm soát chặt chẽ là vấn đề cần phải hết sức lưu ý, nếu không sẽ dẫn đến những hệ lụy rất lớn.

Ảnh tác giả

Chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì phải kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nếu để hàng hóa ồ ạt vào thị trường sẽ bóp chết sản xuất trong nước, kể cả thủy sản và chăn nuôi. Trong hội nhập quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính là đúng, nhưng không có nghĩa là cắt giảm việc kiểm dịch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc tích hợp kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm đã được Bộ NN&PTNT chỉ đạo rất quyết liệt.

Về việc triển khai các Luật Thú y, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Luật Thú y cao hơn cả Nghị định, vì vậy những nội dung Luật Thú y đã quy định thì tiếp tục triển khai, không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, những văn bản, thông tư thực hiện Luật Thú y nếu vướng vào dự thảo Nghị định cần phải xem xét tháo gỡ ngay.

Tin liên quan

Đọc tiếp