Thủ tướng: Giảm thủ tục, giảm xin cho, giảm chi phí tuân thủ, chống sách nhiễu

pháp luật CHÍNH PHỦ
10:01 - 28/09/2023
Theo Thủ tướng, các nội dung của phiên họp đều là những nội dung quan trọng - Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, các nội dung của phiên họp đều là những nội dung quan trọng - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Đó là quan điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu sáng 27/9 tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 8 trong năm 2023.

Theo chương trình, phiên họp xem xét, cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm: Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Chính phủ đã tập trung, dành nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều đổi mới để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

"Kết quả bước đầu là tương đối tích cực, với mục tiêu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật", Thủ tướng nhận định.

Nhấn mạnh các nội dung của phiên họp đều là những nội dung quan trọng, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, trình bày tờ trình, báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề. Đồng thời, thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.

"Tinh thần là tăng cường cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục, giảm xin – cho, giảm chi phí tuân thủ, chống sách nhiễu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông nêu rõ quan điểm của Chính phủ về phân cấp, phân quyền cho cấp nào thực hiện tốt nhất đi cùng phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Đồng thời, rà soát xem nội dung nào giữ lại, nội dung cần hoàn thiện, bổ sung, nội dung nào cần bãi bỏ. Các bộ, ngành trong quá trình xây dựng pháp luật cũng cần theo tinh thần này.

Đọc tiếp