Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dùng cách tiếp cận toàn dân trong chống dịch và phục hồi kinh tế

CHÍNH SÁCH Diễn đàn 4.0
16:23 - 06/12/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính: cần lấy người dân là trung tâm chủ thể, là động lực, mục tiêu để giải quyết những thách thức hiện tại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: cần lấy người dân là trung tâm chủ thể, là động lực, mục tiêu để giải quyết những thách thức hiện tại.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Diễn đàn cấp cao về Công nghệ 4.0 sáng 06/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện hai chương trình phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo hướng tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chủng mới Omicron xuất hiện đang khiến diễn biến dịch phức tạp khó kiểm soát, nhưng bên cạnh sự cảnh giác thì cũng không cần quá lo sợ đến đánh mất bản lĩnh. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn kiên định chọn cách tiếp cận toàn dân để chống dịch.

“Lấy người dân là trung tâm chủ thể phòng, chống dịch, chúng ta khẳng định chiến thắng đại dịch phải là chiến thắng của nhân dân. Bởi sẽ không có người dân nào an toàn nếu còn có người dân khác mắc COVID-19. Cách tiếp cận toàn dân đã mang lại hiệu quả cho Việt Nam”, Thủ tướng nói thêm.

Qua kinh nghiệm, Việt Nam đã rút ra được ba trụ cột chính trong phòng chống dịch: Thứ nhất là cách ly tập trung nhất nhưng nhưng giải tỏa cũng phải nhanh nhất. Thứ hai là khẩn trương xét nghiệm và thứ ba là có phác đồ điều trị hiệu quả. Từ nền tảng này Việt Nam xây dựng được công thức chống dịch gồm thực hiện 5K, vaccine, thuốc, phác đồ điều trị, công nghệ và ý thức của người dân.

“Kết quả thu được là kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội hoàn thành vượt kế hoạch, xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu ổn định trở lại, thu hút FDI tăng. Kinh tế Việt Nam vẫn ổn định vững chắc, niềm tin của nhân dân được củng cố, tinh thần đại đoàn kết dân tộc được nâng lên”, Thủ tướng tin tưởng.

"Trên thực tế, khi không có vaccine, thuốc, chưa dự báo được hết sự nguy hiểm của dịch bệnh thì chúng ta buộc phải dùng biện pháp hành chính nghiêm ngặt nhất để chống dịch khiến kinh tế tăng trưởng âm trong quý III/2021. Ngược lại, khi đã có kinh nghiệm, có trụ cột và công thức chống dịch, chúng ta có thể thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả nên tình hình hai tháng qua đã ổn định trở lại".

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Hoàn thiện hai chương trình chống dịch và phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh đặc biệt cần có tầm nhìn, hành động tương ứng với tình hình, hiện Chính phủ đang tập trung hoàn thiện hai chương trình song song là chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội.

Đối với chương trình phòng, chống dịch COVID-19, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực y tế cả về nhân lực và cơ sở vật chất, tập trung vào y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chậm nhất trong tháng 12/2021 sẽ đủ 2 mũi vaccine cho nhân dân, thực hiện tiêm cho các cháu 12 – 18 tuổi và tiếp tục nghiên cứu chương trình cho các cháu ít tuổi hơn.

Đối với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, cần tập trung vào động lực cho y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp, hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng chuyển đổi số. Sử dụng các chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp, thúc đẩy, hỗ trợ nhau không để xảy ra xung đột.

Để hai chương trình thực hiện được có hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Nội lực với ba trụ cột chính gồm con người, thiên nhiên, văn hóa – lịch sử là quan trọng nhất. Nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ của ngoại lực gồm công nghệ, vốn, khoa học quản trị. Đặc biệt cần xác định yếu tố con người vừa là trung tâm chủ thể vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển, phải phát huy hài hòa kết hợp kinh tế và văn hóa”.

Trước tình hình nhiều bất định hiện nay, Thủ tướng tái khẳng định con người phải là trung tâm của mọi chính sách, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. “Vấn đề quan trọng nhất là lo cho 100 triệu dân ấm no, hạnh phúc, dân chủ, dân quyền. Phát huy tối đa yếu tố con người. Đó chính là nhân quyền của Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.