Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tôi lo nhất vấn đề nguồn nhân lực trong chống dịch

QUỐC HỘI Việt nAM
13:33 - 12/11/2021
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn sáng 12/11
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn sáng 12/11
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm trong chống dịch và tự tin mở cửa, tuy nhiên Thủ tướng vẫn "lo nhất vấn đề nguồn nhân lực", cũng như vấn đề việc làm cho người dân trở về địa phương sau dịch.

Thêm nhiều bài học kinh nghiệm từ chống dịch

Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 12/11, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đại biểu cho biết, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nước ta đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là cách làm đúng, bước đầu có hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bà đề nghị Thủ tướng cho biết thêm về chương trình hành động ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới là gì?

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Thúy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vừa qua, sau hai năm thực hiện chống dịch, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho đất nước ta . "Chúng ta có trả giá, có cái chưa được, qua chống dịch đã rút được nhiều kinh nghiệm và dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này", Thủ tướng nói.

Đại biểu Ma Thị Thúy tỉnh Tuyên Quang tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Đại biểu Ma Thị Thúy tỉnh Tuyên Quang tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Từ đó Chính phủ đã đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch, như: Cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất có thể. Về xét nghiệm, virus nhìn không thấy, nếm không được, ngửi không được, nên phải xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn. Về điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.

Trên cơ sở 3 trụ cột này, Chính phủ đã hình thành công thức chống dịch, đầu tiên là 5K, rồi 5K + vaccine, sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân...

Theo Thủ tướng, "chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch". Vừa qua Thủ tướng ra nước ngoài làm việc, lãnh đạo các nước cũng có trao đổi về vấn đề này và thấy quá trình chống dịch dù chưa tổng kết "nhưng có bài bản". "Trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn và tự tin mở cửa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nói thêm, dịch bệnh đã làm bộc lộ yếu kém là y tế dự phòng và y tế cơ sở, nên cần phải có sự củng cố, sửa đổi.

"Vấn đề quan trọng nhất, tôi lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm được nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực. Đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Cùng nội dung chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đã đưa câu hỏi về vấn đề kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn chống dịch vừa qua, Theo đó, Thủ tướng cho biết: "Việt Nam ta trong đợt chống dịch vừa qua đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm lớn." Cụ thể:

Kinh nghiệm thứ nhất là cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch. Các chính sách triển khai phải được hướng tới người dân, ngược lại, người dân tham gia tích cực, chủ động trong công tác chống dịch.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng nêu vấn đề, khi triển khai chính sách "lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài" trong đợt bùng phát dịch tại TP.HCM, một số nơi lại hiểu pháo đài là lô cốt, nên bao vây, gây ách tắc.

Kinh nghiệm thứ hai là huy động tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Thứ ba là cách ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. "Tất nhiên có chỗ này, chỗ kia nhưng các địa phương đã ứng phó một cách linh hoạt trong giai đoạn dịch bệnh, dù đây là việc chưa có tiền lệ", Thủ tướng cho biết. "Ví dụ khi nhận thấy năng lực y tế yếu, chúng ta ngay lập tức điều quân đội, công an giúp chống dịch. Tôi cho đây là kinh nghiệm rất tốt".

Tiếp theo là bài học kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách an sinh xã hội. Thời gian tới, Thủ tướng cho biết sẽ tổng kết việc này, bởi đây là chính sách giúp người dân yên tâm tham gia chống dịch.

Một bài học cũng được người đứng đầu Chính phủ nêu ra là "không quên huy động sự giúp đỡ của quốc tế". Khi Việt Nam thiếu vaccine, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc gặp, trực tiếp hay gián tiếp, đều kêu gọi vaccine từ nước ngoài và tham gia chỉ đạo quá trình sản xuất trong nước.

"Vaccine là vũ khí quan trọng ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta đã dùng mọi biện pháp, từ mua bán, nhượng, vay vaccine. Chúng ta cũng chỉ đạo việc sản xuất vaccine trong nước", Thủ tướng cho biết.

Hiện nay quy trình phát triển vaccine đang được thúc đẩy rất tích cực, tuy nhiên quản lý nhà nước chỉ làm thủ tục hành chính cho nhanh, gọn hơn. Về mặt chuyên môn, Thủ tướng cho rằng nên tin tưởng các nhà chuyên môn tại hai hội đồng độc lập, là hội đồng đạo đức và hội đồng cấp phép. "Vấn đề an toàn với vaccine là rất quan trọng", Thủ tướng nói.

Tạo điều kiện làm việc cho người dân an tâm

Trước vấn đề nhiều người lao động từ một tỉnh, thành phố phía Nam về quê khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đặt câu hỏi về giải pháp, chính sách của Chính phủ cũng như các địa phương, trong đó có cơ chế liên vùng để giúp người dân an cư lạc nghiệp trên mảnh đất quê hương?

Trả lời câu hỏi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện tượng dịch chuyển thị trường lao động là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều không bình thường là sự quản lý Nhà nước còn sơ hở, cho nên, khi có sự dịch chuyển lao động tại các tỉnh phía Nam thì gây áp lực cho các địa phương.

Vậy giải quyết áp lực việc làm cho người dân như thế nào? Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, Trung ương cần phối hợp với địa phương để nâng cao năng lực y tế. Thứ hai, là tăng cường năng lực cung cấp vaccine. Thứ ba, là bảo đảm an sinh xã hội. Thứ tư, là kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế để giúp giảm áp lực cho các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Về các chính sách căn cơ, Thủ tướng nêu rõ, cần tạo sinh kế, công ăn việc làm mang tính quyết định. Muốn vậy, phải giải quyết nút thắt về hạ tầng, bao gồm: Đường bộ, giao thông thủy nội địa, hạ tầng chống biến đổi khí hậu và hạ tầng y tế, giáo dục. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 cho vùng ĐBSCL, tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống phải có các cơ chế, chính sách hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội nhằm giúp ĐBSCL giải quyết vấn đề về 3 hạ tầng này, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân.

“Khi có công ăn việc làm thì người dân sẽ yên tâm ở lại quê hương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.