Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Trụ đỡ thụt lùi thì đất nước thụt lùi'

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
23:20 - 29/12/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đã có nền tảng thì cần kế thừa, cần quyết tâm đặt ra tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2022 là 3%, xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đã có nền tảng thì cần kế thừa, cần quyết tâm đặt ra tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2022 là 3%, xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD.
0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh việc biểu dương những kết quả của ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các mục tiêu của ngành cần đặt ra cao hơn nữa để làm tốt vai trò trụ đỡ nền kinh tế.

Năm 2021, ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra, tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn.

Tại hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, đây là kết quả đáng biểu dương trong điều kiện một năm 2021 nhiều khó khăn.

“Những điểm sáng kinh tế đã được thể hiện qua các số liệu. Với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỷ USD so với kế hoạch, thu đủ chi, xuất đủ nhập, trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu ra những hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua, như chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu… còn hạn chế, chưa chủ động.

Từ những tồn tại đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp “mổ xẻ”, đánh giá kĩ lưỡng nguyên nhân để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo. “Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền Bộ NN&PTNT thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo”, ông nói thêm.

Theo Thủ tướng, năm 2022 được dự báo vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức. Năm 2022 được cho rằng có nhiều khó khăn hơn năm 2021. Do đó ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Muốn thực hiện được như vậy, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng cao hơn, xuất khẩu cao hơn. Đã có nền tảng thì cần kế thừa, cần quyết tâm đặt ra tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2022 là 3%, xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD. Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi”.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào 1 - 2 thị trường nhất định.

Ông Phạm Minh Chính cũng cho rằng cần nâng cao năng lực chế biến vì muốn sản xuất lớn rất cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường, vốn cho người nông dân. Đó là chuỗi công việc để xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Theo đó, ngành nông nghiệp cần có lộ trình giải quyết những vấn đề này.

“Một mặt sản xuất xuất khẩu nông sản chính ngạch, một mặt cần phải cải thiện quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế. Vấn đề là phải có sản phẩm nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Chính nhận định.

Về vấn đề phát triển kinh tế biển, Thủ tướng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.

Trong vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, ngành nông nghiệp cần gắn với dự báo thị trường cũng như tình hình liên quan để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải metan theo cam kết của COP26, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, phát triển kinh tế vùng, phát triển chuỗi sản phẩm, liên kết quốc tế, đầu tư công nghệ, thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp.

“Nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho người nông dân là mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, hải đảo và các đối tượng yếu thế. Theo đó, các đơn vị cần triển khai nhanh việc phân bổ nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tiếp nhận những chỉ đạo của Thủ tướng và cam kết đưa vào những chủ trương, hành động trong thời gian tới của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thông Lê Minh Hoan cho biết, dù đạt được một số thành tích như xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng ngành 2,85%, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn gặp nhiều vấn đề.

Bên cạnh những thách thức chung, đến từ thế giới, được Bộ trưởng liệt kê trong 4 từ “biến động – bất định - phức tạp - mơ hồ”, còn có những thách riêng của ngành, như thẻ vàng IUU, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… Trên quan điểm lấy người dân làm trung tâm, nâng cao cuộc sống của người dân cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2021.

“Tập trung tăng hàm lượng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… sẽ là những định hướng chính của ngành nông nghiệp trong năm 2022.”

Một loạt kiến nghị xây dựng trụ đỡ bền vững

Là nhóm ngành đạt được kim ngạch xuất khẩu lớn nhất 15,87 tỷ USD trong năm 2021, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Cao Chí Công đã có những đóng góp ý kiến xây dựng ngành nông nghiệp bền vững trong năm 2022.

Ảnh tác giả

"Chính phủ, Bộ Y tế cần tạo điều kiện cho ngành gỗ được tiêm vaccin COVID-19, vật tư y tế với chi phí hợp lý và sớm nhất. UBND tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập khẩu gỗ vào Việt Nam, tránh tình trạng nhập khẩu trái phép".

Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

“Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải có chính sách hỗ trợ việc vận chuyển, hàng hóa. Bộ Ngoại giao chú trọng vào thị trường Mỹ, EU, Anh để thông tin kịp thời thông tin, chính sách, cảnh báo rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nói thêm.

Một ý kiến khác đến từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) nhận định năm 2021, không chỉ ngành nông nghiệp của Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, biện pháp kịp thời của Chính phủ, công tác sản xuất, chế biến và xuất khẩu của ngành hàng rau quả vẫn duy trì ổn định và không bị đứt gãy. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2021 sang các thị trường quan trọng trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… đều tăng trưởng”, ông Đinh Cao Khuê chia sẻ.

Ảnh tác giả

"Để ngành chế biến rau quả có thể thích ứng, linh hoạt với dịch COVID-19 trong thời gian tới, ông Khuê cho rằng các đơn vị, doanh nghiệp chế biến cần tạo sự liên kết chặt chẽ với các HTX nông nghiệp. Các HTX sẽ giữ vai trò sản xuất và cung cấp nguyên liệu số lượng lớn đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp xuất khẩu".

Ông Cao Đinh Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam

“Dư địa xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều. Hiện nay, nhiều khách hàng tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Israel sẵn sàng đặt hàng số lượng lớn nếu chúng ta có những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP”, ông Đinh Cao Khuê cho biết.

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, trong năm 2021, doanh nghiệp này đã xuất khẩu được hơn 53.000 tấn tôm, kim ngạch đạt trên 657 triệu USD, giảm 1,81% về lượng nhưng tăng 11,3% về giá trị.

Ngành tôm trong 20 năm qua đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng vì phát triển nhanh nên đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về môi trường - xã hội, khiến vùng nước Đồng bằng Sông Cửu Long bị nhiễm bệnh tôm trầm trọng, làm giá thành gia tăng, giảm tính cạnh tranh. Với tình hình hiện tại, nếu Việt Nam không có giải pháp hữu hiệu, chỉ trong 5-10 năm nữa ngành tôm sẽ mất lợi thế cạnh tranh và dần đi xuống.

Ảnh tác giả

"Cần quy hoạch lại chuỗi giá trị ngành tôm theo hướng thuận thiên, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, dựa trên nền tảng số, liên kết chuỗi giá trị để đảm bảo lợi nhuận cho mọi đối tác tham gia cũng như sinh kế của người dân".

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.