Tiềm năng chuỗi dược phẩm giúp FRT gia nhập 'câu lạc bộ' đắt giá nhất sàn

FRT FPT Retail
22:16 - 14/11/2023
FPT Retail vừa "lấn sân" mảng tiêm chủng.
FPT Retail vừa "lấn sân" mảng tiêm chủng.
0:00 / 0:00
0:00
Với việc chinh phục mốc 100.000 đồng/cp, FRT đã gia nhập câu lạc bộ những cổ phiếu đắt giá nhất sàn, và vượt xa các tên tuổi khác cùng ngành.

Phiên 14/11, cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) tiếp tục duy trì sắc xanh, tăng 0,7% lên mức giá 104.000 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của mã này kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE năm 2018. Từ đầu tháng 10 đến nay, FRT liên tục vượt đỉnh.

Cũng giống như những cổ phiếu trong ngành bán lẻ, khi thị trường gặp khó khăn do sức cầu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu kém, FRT từng giảm sâu về vùng giá 50.000 – 60.000 đồng/cp trong giai đoạn từ tháng 11/2022-5/2023. Tuy nhiên khi phục hồi, cổ phiếu của FPT Retail lại có sức bứt phá hơn hẳn.

Tính từ cuối tháng 5 đến nay, mã đã tăng 50% giá trị; trong khi MWG của Thế giới Di động vẫn loanh quanh ở vùng giá 40.000 đồng/cp; còn DGW của CTCP Thế giới số (Digiworld) cũng có thời kỳ thị giá từng ngang ngửa FRT nhưng hiện tại cũng chỉ hồi phục được về vùng 50.000 đồng/cp.

Sau những nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường, các mã chứng khoán có giá trên 100.000 đồng/cp hiện còn rất ít, chủ yếu là các cổ phiếu của doanh nghiệp có cổ tức cao, cơ cấu cổ đông cô đặc.

Kết phiên 14/11, các mã trong "câu lạc bộ ba chữ số" gồm: NTC của KCN Nam Tân Uyên (184.000 đồng), IDP của CTCP Sữa Quốc Tế (257.000 đồng), VCF của Vinacafe Biên Hòa (186.000 đồng), VNZ của CTCP VNG (790.000 đồng, hiện đang bị hạn chế giao dịch), VJC của Vietjet (107.000 đồng), DHG của Dược Hậu Giang (105.000 đồng), PDN của Cảng Đồng Nai (109.000 đồng), RAL của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (104.000 đồng), SLS của Mía đường Sơn La (155.000 đồng)...

Cổ phiếu FRT đang giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử.

Cổ phiếu FRT đang giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử.

Đà tăng của cổ phiếu có phần trái ngược với kết quả kinh doanh không mấy khả quan của FPT Retail. Trong quý 3/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2022. Dù vậy, áp lực chi phí tăng, đặc biệt chi phí bán hàng vượt 1.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận bị "ăn mòn". Kết quả, FRT lỗ sau thuế 13 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi gần 85 tỷ.

Lũy kế 9 tháng, FRT đạt 23.160 tỷ doanh thu thuần, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ các chi phí, FRT lỗ sau thuế gần 226 tỷ, so với cùng kỳ lãi hơn 301 tỷ đồng.

Điểm sáng của FRT chính là chuỗi nhà thuốc Long Châu. Đây cũng là mảng được kỳ vọng là sức bật cho công ty trong tương lai. Trong quý 3/2023, doanh thu chuỗi Long Châu tiếp tục vượt mặt FPT Shop, đóng góp 4.189 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm 2023, công ty mở mới 447 nhà thuốc, nâng tổng số nhà thuốc lên 1.384. Các cửa hàng vẫn ghi nhận mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức khoảng 1,1 tỷ đồng.

Trong một báo cáo phân tích FRT gần đây, Chứng khoán MBS cho biết, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam được ước tính khoảng 6-7 tỷ USD vào năm 2022 với hơn 70% là doanh thu từ kênh ETC (bệnh viện). Trừ đi doanh thu của kênh ETC, hiện nay đang có khoảng gần 60.000 nhà thuốc cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dược phẩm với quy mô gần 2 tỷ USD. Trong đó chỉ có hơn 2.400 cửa hàng bán theo mô hình chuỗi hiện đại (khoảng 4% tổng số nhà thuốc).

MBS đánh giá thị trường bán lẻ thuốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng lớn do chưa có đơn vị dẫn đầu thị trường về thị phần; cơ cấu già hóa dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu quan tâm về sức khỏe tăng mạnh sau đại dịch Covid-19... Ngoài ra, chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma vừa được Tập đoàn Dongwha Pharm của Hàn Quốc chi 30 triệu USD mua 51% cổ phần cũng cho thấy thị trường bán lẻ thuốc tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo MBS, Long Châu là chuỗi nhà thuốc bán lẻ lớn có mô hình hoạt động hiệu quả nhất hiện nay. Chỉ sau vài năm về với FRT, Long Châu đã ghi nhận tốc độ mở cửa hàng mạnh mẽ, trở thành chuỗi dược phẩm có số lượng cửa hàng lớn nhất, doanh thu tăng trưởng trung bình 175% trong giai đoạn 2020-2022. Với thế mạnh về công nghệ và mô hình kinh doanh, MBS kỳ vọng đến hết 2023, Long Châu đạt 1.450 cửa hàng, tăng 54,7% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 15.257 tỷ đồng/19.875 tỷ đồng trong năm 2023/2024.

Tiềm năng của chuỗi nhà thuốc cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến với FRT. Dragon Capital - cổ đông lớn của MWG đã liên tục thoái vốn kể từ cuối năm 2022. Tuy nhiên nhóm quỹ này lại tích cực gom vào cổ phiếu của FPT Retail. Mới đây nhất, các quỹ thành viên do Dragon Capital quản lý đã mua vào tổng cộng 232.600 cổ phiếu FRT, nâng sở hữu từ hơn 13,39 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,83%) lên 13,63 triệu cổ phiếu (10%).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.