Tiềm năng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt

cơ khí Công nghiệp
15:31 - 01/09/2023
Tiềm năng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt
0:00 / 0:00
0:00
Mỹ, Nhật Bản, Philippines đều là những thị trường còn dư địa hợp tác, xuất khẩu cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng nâng cao năng lực để đáp ứng các yêu cầu thị trường và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ.

Ngành cơ khí được xác định là ngành công nghiệp mang tính "xương sống" và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Giai đoạn vừa qua, ngành cơ khí chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc khi ngày càng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động.

Việc tăng cường xuất khẩu, hợp tác với các nước có nền công nghệ tiên tiến sẽ là cơ hội để doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tiến ra thị trường thế giới.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 8/2023, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng đại diện văn phòng Việt Nam tại New York (Mỹ) nhận định, hiện nay bên cạnh là nhà sản xuất ngành cơ khí chế tạo, Mỹ còn được biết đến là quốc gia nhập khẩu với nhu cầu đa dạng từ các nước trên thế giới.

Các sản phẩm thị trường này nhập khẩu chủ yếu là máy móc công nghiệp hiện đại (máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp…), ô tô, động cơ ô tô và phụ tùng.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, phụ tùng, vận tải và phụ tùng sang Mỹ với tổng kim ngạch 22,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, vận tải và phụ tùng của Việt Nam.

7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các mặt hàng cơ khí trên sang Mỹ giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 10,8 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế Mỹ giảm sức mua.

Ảnh minh họa: Ngành cơ khí được xác định là ngành công nghiệp mang tính "xương sống" của Việt Nam.

Ảnh minh họa: Ngành cơ khí được xác định là ngành công nghiệp mang tính "xương sống" của Việt Nam.

Tương tự, tại Philippines, ông Phùng Văn Thành – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho rằng, quốc đảo Đông Nam Á này là thị trường tiềm năng cho sản phẩm cơ khí khi có 112 triệu người tiêu dùng và quy mô kinh tế tập trung vào ngành dịch vụ (chiếm 60%). Trong khi đó, ngành công nghiệp chỉ chiếm 30% GDP.

Mặt khác, Philippines cũng đang tập trung vào một vài ngành công nghiệp chủ chốt như khai khoáng, mỏ, đóng tàu, xây dựng, giao thông vận tải. Đây đều là những ngành có nhu cầu lớn về các sản phẩm cơ khí.

Tại Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, đại dịch Covid-19 xảy ra, Nhật Bản thấy rõ rủi ro từ việc phụ thuộc vào một vài chuỗi cung ứng quốc tế. Đồng thời, xung đột Nga – Ukraine cũng đã tác động đến nguồn linh kiện từ các quốc gia trên thế giới.

Trước tình hình trên, Nhật Bản đã đưa ra gói hỗ trợ hơn 2,2 tỷ USD để cải cách chuỗi cung ứng của mình. Trong đó, 2 tỷ USD được hỗ trợ xây dựng nhà máy, đầu tư trang thiết bị sản xuất trong nước. Con số này năm 2022 đã lên đến gần 4 tỷ USD.

Khoảng 200 triệu USD còn lại, Nhật Bản thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ các đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

“Theo thông tin mới nhất từ Jetro (Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản), Nhật Bản đã thành công giải ngân 6 đợt trong gói hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất cung ứng sang các nước ASEAN. Trong đó, tại đợt mới nhất, Việt Nam có 2 trong tổng 6 dự án tại ASEAN được lựa chọn để tiếp nhận hỗ trợ”, ông Minh cho biết.

Mặt khác, dưới áp lực của vấn đề già hóa dân số hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất cơ khí lâu năm (với mong muốn chuyển giao) cũng đang tính tới việc coi Việt Nam là nơi hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hợp tác linh kiện, cơ khí.

Ảnh minh họa: Ngoài các yêu cầu khắt khe từ các nước, năng lực của các doanh nghiệp vẫn còn yếu, điều này khiến doanh nghiệp nội địa Việt khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa: Ngoài các yêu cầu khắt khe từ các nước, năng lực của các doanh nghiệp vẫn còn yếu, điều này khiến doanh nghiệp nội địa Việt khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận thị trường

Mặc dù các thị trường lớn vẫn còn nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt hợp tác trong lĩnh vực cơ khí, tuy nhiên để có thể tiến vào và phát triển tại các thị trường thì phải phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm năng lực của doanh nghiệp, yêu cầu từ thị trường, tình hình kinh tế của các nước...

Ông Minh cho biết, thời gian qua, tỷ giá đồng yên liên tục sụt giảm, chi phí vận tải tăng đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước ASEAN (vốn cũng sản xuất linh kiện và xuất khẩu sang Nhật Bản).

Tại Mỹ, thị trường này yêu cầu sản phẩm phải được sản xuất theo hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ phải đạt quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp cơ khí Việt khi xuất khẩu vào Mỹ cũng cần đảm bảo chuỗi cung ứng. Theo ông Hùng: “Đã có công ty muốn đặt thiết bị điện tử gia dụng từ Việt Nam, nhưng họ còn quan tâm đến khả năng chủ động chip của doanh nghiệp Việt là bao nhiêu %, phải nhập khẩu chip từ nguồn nào…”.

Đó là yêu cầu khách quan từ thị trường xuất khẩu. Còn nhìn từ phía Việt Nam, thực tế "sức khỏe" của các doanh nghiệp cơ khí nội địa vẫn còn nhiều “lỗ hổng” chưa được khắc phục, ở hiện tại hay về lâu dài, đây sẽ là khúc gỗ ngáng chân các doanh nghiệp trên con đường tiến ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ tại hội nghị giao ban, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, hiện nay năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cơ khí nội địa còn yếu.

"Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc nhân công giá rẻ. Trong khi đó so với thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, ngoài có nhân công giá rẻ, họ còn có tính chuyên môn hóa cao”, ông Sáng nhận định.

Doanh nghiệp cũng phải nhập một số vật tư không sẵn có từ thị trường Trung Quốc, điều này khiến doanh nghiệp muốn cạnh tranh trên thị trường buộc phải giảm giá thành nhân công.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa có các mặt hàng truyền thống, không có đại diện phân phối bán hàng ở nước ngoài, khả năng tận dụng thương mại điện tử còn kém...

Đọc tiếp