Tiền lại 'tháo chạy' khỏi bất động sản và chứng khoán, NVL giảm 36%

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:14 - 03/10/2023
Giao dịch sàn HoSE với la liệt các mã nằm sàn.
Giao dịch sàn HoSE với la liệt các mã nằm sàn.
VN-Index đóng cửa phiên 3/10 ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023, đồng nghĩa với việc thành quả tăng điểm trong tháng 7 và tháng 8 đã bị xóa sạch.

Kết phiên 3/10, VN-Index dừng ở mốc 1.118,1 điểm, giảm hơn 37 điểm (3,2%) so với kết phiên hôm qua. Đây là mức thấp nhất của chỉ số kể từ cuối tháng 6/2023. Kể từ mức đỉnh ngắn hạn 1.242 điểm hồi đầu tháng 9 đến nay, VN-Index đã giảm 124 điểm, tương đương giảm 10%.

HNX-Index cũng giảm mạnh hơn 10 điểm, còn UPCoM giảm hơn 2 điểm. Với áp lực bán mạnh, thanh khoản có sự cải thiện hơn hôm qua với tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm khoảng 2.500 tỷ đồng. Họ tiếp tục bán ròng hơn 160 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung “xả” CTG (52 tỷ đồng), VPB (46 tỷ đồng); VHM, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VCI, VCG, MSN, VIC 20-30 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, dòng tiền nước ngoài mua ròng mạnh nhất DPM với giá trị 52 tỷ đồng. MWG được mua nhiều thứ hai với 35 tỷ đồng. FTS, VHC, HDB, VRE được mua ròng trên 20 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có BSI, HDG, DGW, BVH, TTA, VNM…

Dòng tiền “tháo chạy” trên diện rộng khiến gần 700 mã ở chiều giảm, trong khi chỉ có gần 140 mã ở chiều tăng. 83 mã giảm sàn với những cái tên quen thuộc của nhóm bất động sản, chứng khoán như VND, VIX, VCI, CTS, DIG, NVL, DXG, PDR, CEO, CII, TCH, BCG…

Nếu trong 2 tháng 7 và 8, các cổ phiếu bất động sản và chứng khoán đua nhau tăng tốc thì trong vòng 1 tháng qua, khi VN-Index điều chỉnh, đây cũng là hai nhóm chịu áp lực bán bán mạnh nhất. Như NVL phiên hôm nay lui về mức giá 14.350 đồng, tương ứng giảm 36% so với mức đỉnh ngắn hạn hồi đầu tháng 9. DIG giảm 21% về mức giá 23.350 đồng, CEO giảm 30% về giá 19.500 đồng, VIX giảm 26% về giá 14.900 đồng, VND giảm 20% về giá 19.650 đồng…

VN30 hôm nay chỉ có duy nhất HDB giữ được mức giá tham chiếu, còn lại hầu hết đều giảm sâu. GVR nằm sàn, BID, HPG, VIC, STB, SSI, MWG giảm 5-6%; VPB, VIB, VHM, TPB, SHB, POW, PLX, MSN, GAS giảm 3-4%.

Với mức giảm hơn 5%, VIC lui về vùng giá 44.500 đồng, thấp nhất kể từ tháng 10/2017. So với vùng đỉnh ngắn hạn 72.000 đồng hồi đầu tháng 8/2023, cổ phiếu của Vingroup đã giảm tới gần 40% giá trị. VHM cũng giảm hơn 30% trong 2 tháng qua, lùi về vùng giá 44.000 đồng, thấp nhất kể từ tháng 3/2023.

Xét về nhóm ngành, nhóm giảm mạnh nhất vẫn là chứng khoán, mất 6,5% vốn hóa. Ngoài các mã kể trên thì hàng loạt cổ phiếu khác cũng giảm sàn, giảm mạnh 8-9%. Chỉ có hai mã giữ được sắc xanh là DSC và HAC. Nhóm này cũng ghi nhận thanh khoản sôi động nhất với SSI, SHS và VND khớp lệnh hơn 40 triệu đơn vị,

Nhóm vật liệu xây dựng giảm hơn 5% giá trị vốn hóa do HPG giảm 5,3%, cùng với HSG và NKG giảm sàn. Nhóm hóa chất, khai khoáng, bất động sản, bán lẻ giảm hơn 4% vốn hóa. Nhóm ngân hàng cũng giảm sâu 2,5% vốn hóa khi chỉ HDB giữ giá tham chiếu. NVB giảm mạnh nhất 8,5%. TPB, STB, SHB, SGB, OCB, EIB, BID giảm 4-7%.

Cổ phiếu đáng chú ý là RDP của CTCP Rạng Đông Holding tăng trần lên mức giá 10.600 đồng, cùng thanh khoản hơn 3 triệu đơn vị, đột phá so với mức giao dịch trung bình của cổ phiếu này. RDP là một trong số những mã hiếm hoi đi ngược thị trường giai đoạn vừa qua. Từ trung tuần tháng 9 đến nay, cổ phiếu này đã tăng 25% giá trị.

Mới đây, Rạng Đông Holding đã thông qua việc triển khai phương án chào bán dự kiến 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 4/2023 – quý 2/2024. Tổng số tiền dự kiến thu về (300 tỷ đồng) sẽ dùng để trả nợ vay tại ngân hàng BIDV và trả nợ Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank.

Tin liên quan

Đọc tiếp