Toàn cảnh một năm chìm nổi của dệt may Việt Nam

Dệt May Việt nAM
10:00 - 28/12/2021
Dệt may Việt Nam vừa trải qua một năm thăng trầm.
Dệt may Việt Nam vừa trải qua một năm thăng trầm.
0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 ập đến cùng những đợt giãn cách kéo dài khiến ngành dệt may có lúc rơi vào thế tuyệt vọng. Nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua và đạt được kết quả bất ngờ, năm 2021, ngành dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. 

Đã từng tuyệt vọng

Thị phần dệt may Việt Nam đã đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc khi chiếm 5,1%, mặc dù tổng cầu dệt may thế giới giảm sút. Đó là thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong buổi họp thông tin kết quả sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2021 vừa qua.

Thực chất trong năm nay, KNXK dệt may Việt Nam không tăng. Nhưng do dịch Covid-19, tổng cầu dệt may thế giới giảm khoảng 20% (không tính đến kim ngạch nhập khẩu đồ bảo hộ cá nhân PPE). Từ phía cung, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Bangladesh, Ấn Độ đều giảm sâu từ 15% đến 20%, kể cả xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc cũng giảm 6,6%.

Mặc dù vậy, cũng phải ghi nhận nỗ lực lớn của các doanh nghiệp dệt may vì 2021 cũng là năm vô cùng thử thách với ngành này. Trong quý I, ngay từ đầu năm nhiều doanh nghiệp (DN) đã ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2021 do nhiều thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc, các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Sang quý II, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh phía Bắc, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh... song nhờ kiểm soát tốt nên mức độ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh chưa lớn. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành vẫn tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng trên 5% so với năm 2019.

Công nhân công ty may lấy mẫu xét nghiệm Covid trong đợt dịch ở Bình Dương.

Công nhân công ty may lấy mẫu xét nghiệm Covid trong đợt dịch ở Bình Dương.

Bước sang quý III là bắt đầu thời kỳ cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may với diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. “Có thời điểm được đánh giá là tuyệt vọng. Công đoàn dệt may Việt Nam chưa bao giờ đối diện với lượng lớn lao động nghỉ việc, cần hỗ trợ bởi dịch tới vậy", chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex tại buổi họp trên.

Ông Hiếu cho biết, trong quý 3/2021, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, lao động không được đến nhà máy nên đã xảy ra tình trạng không đảm bảo tiến độ giao hàng, bị phạt hợp đồng. Điều này dẫn đến tình trạng một số khách hàng chuyển đơn hàng sang thị trường khác, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và suy giảm đà tăng trưởng của toàn ngành.

Khi nhớ lại hoạt động của doanh nghiệp trong năm qua, ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc May Việt Tiến cũng phải thốt lên "Thiệt hại vô cùng lớn". Ông cho biết, giai đoạn 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội, 8 nhà máy của May Việt Tiến nằm trọn trong vùng đỏ. Riêng nhà máy tại Tiền Giang với hơn 10.000 công nhân phải tạm đóng cửa, dừng hoạt động để phòng dịch. Thường biên lợi nhuận làm hàng gia công không quá 10%. Sau 4 tháng nhà máy tạm đóng, thiệt hại gấp 2-3 lần mức lời có được, mọi chỉ tiêu phát triển của doanh nghiệp đều tiêu tan. Đã có đơn vị thuộc May Viettien phải phá sản.

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 mới đây, CEO May 10, ông Thân Đức Việt cũng tiết lộ những khó khăn lớn mà doanh nghiệp đã trải qua. Ông cho biết đơn vị chỉ làm mỗi may mặc - là khâu cuối cùng của ngành dệt may nhưng lại đang phụ thuộc rất nhiều về dệt nhuộm. Chuỗi cung ứng cho nguyên liệu đầu vào bị phụ thuộc bởi các nhà sản xuất nguyên vật liệu ở nước ngoài, đơn vị còn bị phụ thuộc vào các loại chi phí logistics.

“Thời điểm dịch bùng phát, May 10 không có container để xuất khẩu. Trớ trêu thay là khi có container rồi thì chúng tôi lại không có tàu để xuất, đến khi có tàu rồi thì lại mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Có thời điểm, chúng tôi mất 6 tuần để tìm container và tàu để xuất khẩu. Thiệt hại rất khủng khiếp về tiến độ giao hàng”, ông Việt nói.

Nỗ lực vượt khó

Nếu quý III là quý “tuyệt vọng” thì quý IV lại là quý bứt phá ngoạn mục của dệt may. Sản xuất hồi nhịp trở lại, mức tăng trưởng cao trong quý IV giúp ngành cán đích xuất khẩu cả năm 39 tỷ USD, tăng gần 12% so với 2020 và trở về ngưỡng bằng thời điểm trước khi xuất hiện Covid-19. Trong đo, thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam vẫn là Mỹ với gần 16 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc 4,4 tỷ USD.

Đóng góp nhiều nhất cho kết quả trên chính là “anh cả” Vinatex với mức tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất gấp đôi so với 2020, đạt 1.200 tỷ đồng và cao hơn 70% so với năm 2019. Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, lý do giúp tập đoàn này đạt được kết quả đó là giữ chân được người lao động. Trong tháng đầu tiên sau giãn cách kéo dài, 90% người lao động tại các công ty thuộc tập đoàn đã trở lại làm việc, đến nay là gần như 100%. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành, cùng địa phương tỷ lệ lao động quay lại chỉ 50-60% khiến sản xuất gặp khó khăn.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chủ động chuyển cơ cấu, tăng tỷ trọng ngành sợi đóng góp vào doanh thu (từ 20% lên 50-55%). Cụ thể, nhà máy Sợi 3, Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài với quy mô 32.000 cọc sợi đi vào hoạt động từ tháng 6/2021. Nhà máy Sợi 2, Công ty CP Vinatex Phú Hưng với quy mô 22800 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 10/2021.

Được biết, Tết Nhâm Dần 2022, Công đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến chi 3 tỷ đồng (gấp đôi Tết 2021) để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động; đặc biệt ưu tiên tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho người lao động với tổng số tiền dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh khả quan giúp người lao động của Dệt may Việt Nam có một cái Tết ấm no.

Kết quả kinh doanh khả quan giúp người lao động của Dệt may Việt Nam có một cái Tết ấm no.

Một doanh nghiệp cũng báo tăng lãi trong năm nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên). Các nhà máy của TNG tập trung tại tỉnh Thái Nguyên, địa phương ít bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội nên hoạt động ổn định hơn. Doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển các đơn hàng dệt may về các nhà máy sản xuất tại miền Bắc. Ước tính, lợi nhuận của TNG đạt khoảng 230 tỷ đồng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp dệt may đều tích cực đổi mới sản phẩm, chuyển hướng cơ cấu để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Như Dệt may Thành Công (TCM), doanh nghiệp chủ động lựa chọn mua vải từ nhà cung cấp khác hoặc tự sản xuất theo phương thức FOB. Đây là phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn so với phương thức CMT (nhận nguyên liệu từ bên đặt hàng và gia công). TCM đã đầu tư từ trước để sản xuất các đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và phát triển vải kháng khuẩn, vải có tính năng vượt trội để đáp ứng yêu cầu cao và thời gian giao hàng gấp rút.

TCM còn cho ra đời thương hiệu thời trang mới INNOF hiện đang bán tại thị trường trong nước; phát triển thương hiệu thời trang ONLEE xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử Amazon và bước đầu ghi nhận doanh thu.

Phấn đấu đạt 43 tỷ USD trong năm 2022

Năm 2022, dự báo các ngành sản xuất vẫn chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song ngành dệt may Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... đã mở cửa trở lại. Đặc biệt là chúng ta đã thay đổi chính sách từ zero COVID sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, ngành dệt còn đang có những thuận lợi nhờ những đòn bẩy tích cực trước đây. Điển hình như dòng chảy vốn FDI đổ bộ vào các dự án trong ngành dệt may Việt Nam có sự tăng vọt trong một số thời điểm, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019. Thống kê cho thấy riêng năm 2015 chứng kiến lượng vốn “khủng” chưa từng thấy là 4.13 tỷ USD với 189 dự án. Trong năm 2020, dự án FDI mới bị chững nhưng khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ nhanh chóng trở lại.

Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP) giúp khai thác tốt hơn thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Quy tắc xuất xứ đơn giản, giảm thời gian và chi phí từ đó tăng tỷ suất lợi nhuận. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 01/08/2020 mở ra cơ hội hàng rào thuế quan lớn chưa từng có cho hàng Việt vào thị trường hơn 500 triệu dân EU. Với 42.5% dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm dệt may giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). Với thị trường Canada, sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. Thuế nhập khẩu của hàng dệt may vào Mexico và Peru được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.

Dệt may Việt Nam phải có chiến lược để tăng khả năng cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Dệt may Việt Nam phải có chiến lược để tăng khả năng cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Trước thách thức và thời cơ đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2022. Cụ thể: Nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I năm 2022, kịch bản tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 41,5 - 42,5 tỷ USD; nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022, kịch bản trung bình xuất khẩu đạt 40-41 tỷ USD. Kịch bản kém tích cực nhất là khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến sẽ chỉ đạt 38-39 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu đó, Vitas kiến nghị Nhà nước tiếp tục triển khai chiến lược vaccine đồng thời mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, ứng dụng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, để giữ vững thị trường xuất khẩu và mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp dệt may nỗ lực rất lớn. Bởi thực tế mức tăng trưởng 12% của ngành năm nay không cho thấy sự cải thiện về thị phần. Trong khi đó, năm 2021, ngành dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh đều có sự tăng trưởng tốt nhờ cải thiện về công nghệ, năng suất, chất lượng… Bởi vậy, dệt may Việt Nam phải có chiến lược để tăng khả năng cạnh tranh. Trong đó, phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo thời gian giao hàng là những yếu tố then chốt.

Tin liên quan

Đọc tiếp