Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hợp tác và đầu tư phát triển ngành dệt may, da giày để cùng đón EVFTA

XNK Việt nAM
15:02 - 22/12/2021
Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hợp tác và đầu tư phát triển ngành dệt may, da giày để cùng đón EVFTA
0:00 / 0:00
0:00

Đề nghị này vừa được Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm đưa ra tại Hội nghị giao thương trực tuyến “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may, da giày" hôm 21/12.

Mặc dù, cùng phải chịu tác động bởi dịch bệnh và các yếu tố bất lợi về xuất nhập khẩu, song quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt Hàn Quốc là quốc gia số 1 trong đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam.

Hiện nay, thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang đạt ở mức cao nhất từ trước đến nay và vẫn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Đối với Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác thương mại quan trọng, đứng thứ 3 sau Hoa Kỳ và Trung Quốc trên thị trường. Trong đó kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước đạt khoảng 66 tỷ USD và Hàn Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may, da giày" ngày 21/12, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đóng góp khoảng 10% và ngành da giày đóng góp khoảng 6% tổng doanh thu xuất khẩu hàng hóa hàng năm. Đặc biệt là với Hàn quốc, tuy tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng có thể thấy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang tăng trưởng đáng kể.

Trong hơn 10 năm qua, ngành dệt may và da giày xuất khẩu đã trở thành 2 ngành công nghiệp truyền thống và ngày càng phát triển trong kinh tế Việt Nam, có những bước tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực xuất khẩu.

Kỳ vọng vào sự hợp tác của Hàn Quốc vào ngành dệt may, giày da Việt Nam

Trong quý I, II năm 2021 tình hình sản xuất tại Việt Nam tương đối phát triển trở lại, có nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng được ký đến hết năm. Tuy nhiên từ tháng 5/2021 dịch bệnh bùng phát mạnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam cùng việc áp dụng chỉ thị 16 khiến hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tê liệt sản xuất.

Nhưng từ 1/10/2021 Chính phủ Việt Nam đã áp dụng thay thế chiến lược Zero COVID bằng Nghị quyết 128, sản xuất của các doanh nghiệp từ đó cũng được phục hồi trở lại. Dự báo năm 2021 cho thấy sự khả quan, dự kiến ngành dệt may sẽ đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với 2020 và tăng 0,3% so với 2019. Nếu tình hình dịch bệnh không quá phức tạp hơn thì mục tiêu của ngành này năm 2022 đặt ra là sẽ xuất khẩu khoảng hơn 40 tỷ USD.

"Về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các doanh nghiệp 2 nước đã có sự hợp tác phát triển rất tốt, hiện nay chúng ta đang có rất nhiều tiềm năng về kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước tương đối khá, tỷ trọng chiếm 26% so với tổng kim ngạch 2019." Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết.

Phần lớn mặt hàng dệt may, giày da sản xuất tại Việt Nam theo hình thức may gia công

Phần lớn mặt hàng dệt may, giày da sản xuất tại Việt Nam theo hình thức may gia công

Tuy nhiên, một vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài lưu ý tới Việt Nam đó là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là may gia công. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu nguồn nguyên liệu, không có sẵn nguyên liệu tại chỗ để thực hiện các hoạt động phát triển hàng hóa như lên mẫu và sản xuất. Đây cũng là điểm khiến các nhà đầu tư lưu tâm và quan ngại.

Đây cũng là bài toán của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành dệt may và giày da mà Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư từ thượng nguồn như sản xuất vải, nhuộm và nguyên phụ liệu dệt may… và khâu thiết kế để có thể đáp ứng được yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do và hưởng lợi từ việc giảm thuế quan từng bước về 0%.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong các khâu sản xuất và vấn đề đào tạo nhân lực

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong các khâu sản xuất và vấn đề đào tạo nhân lực

Ông Trương Văn Cẩm nhận định "Hiện nay Hàn Quốc đang có rất nhiều dự án và các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, vì thế nếu tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp dệt may, giày da giữa Việt Nam và Hàn Quốc thì cả 2 nước sẽ cùng phát triển mạnh mẽ. Ví dụ như hiệp định thương mại tự do EVFTA cho phép sử dụng vải hoặc nguyên phụ liệu của Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam để hưởng ưu đãi thứ 3, nếu sự hợp tác tốt hơn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả 2 phía."

Hàn Quốc cũng là một trong những nước đi đầu về đào tạo nhân lực, vì thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may đã bày tỏ mong muốn quốc gia này hợp tác và hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực bồi dưỡng nhân lực, đào tạo người lao động tham gia khâu sản xuất các sản phẩm may mặc, giày da.

Hiện nay, hiệp hội dệt may đã tổ chức rất nhiều các hội thảo nhằm giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với nhau, bắt tay xây dựng chung hướng, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào các hiệp hội Việt Nam để chung tay phát triển. Vậy nên, ông Trương Văn Cẩm hy vọng trong thời gian tới đây sẽ được hợp tác với nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc để phát triển về chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.

Việt Nam vẫn luôn là điểm đến thu hút của các nhà đầu tư Hàn Quốc

Mặc dù năm 2021 tình hình dịch bệnh chuyển biến khá phức tạp, tuy nhiên khuynh hướng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như điện tử, may mặc, hóa chất, thiết bị cơ khí. Theo thống kê từ phía các doanh nghiệp Hàn Quốc, có khoảng 550 doanh nghiệp Hàn đang tham gia vào lĩnh vực dệt may và da giày tại Việt Nam.

Liên quan đến quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong dệt may và da giày, năm 2020 Việt Nam đã xuất khẩu sang Hàn sản phẩm dệt may đạt 33,34 tỷ USD, sản phẩm da giày, túi xách đạt khoảng 670,3 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may đạt 2,12 tỷ USD, nhập khẩu các loại da thuộc tại Hàn Quốc đạt 112,6 triệu USD và nhập khẩu máy móc thiết bị đạt 7,47 triệu USD.

Ông Kim Kyoung Don - Trưởng ban Xúc tiến và Đầu tư thương mại Hàn Quốc cho biết: "Hàn Quốc là quốc gia đứng số 1 trong đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, tính đến 2019 có 646 công ty dệt may Hàn Quốc đã đầu tư vào quốc gia này, chiếm 25% tổng số vốn FDI trong lĩnh vực này. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài của ngành dệt may Việt Nam cũng đạt đến gần 20 tỷ USD."

Ông Kim Kyoung Don - Trưởng Ban Xúc tiến và Đầu tư thương mại Hàn Quốc đánh giá cao sự hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực dệt may và giày da

Ông Kim Kyoung Don - Trưởng Ban Xúc tiến và Đầu tư thương mại Hàn Quốc đánh giá cao sự hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực dệt may và giày da

Trên thực tế, hiện nay COVID-19 đang có hiện tượng quay trở lại do biến thể mới xuất hiện trên thế giới, trái với suy nghĩ của mọi người về sự khôi phục sau quý III/2021 vừa rồi, nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài vẫn còn sự bất an, lo lắng khi dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng.

Dù vậy Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc. Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc đồng hành cùng Việt Nam từng bước “thích ứng an toàn” trước đại dịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp