Top 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN

Thương Mại asean
10:39 - 13/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Thái Lan, Campuchia và Malaysia là 3 nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN trong 10 tháng đầu năm 2022, khi chiếm 55% tổng trị giá xuất khẩu với khối 10 nước thành viên này.

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên thuộc khu vực ASEAN đạt 28,69 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 3 nước xuất khẩu lớn nhất trong khu vực của Việt Nam là Thái Lan, Campuchia và Malaysia lần lượt đạt 6,14 tỷ USD, 4,93 tỷ USD và 4,75 tỷ USD.

Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN

10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là các mặt hàng điện tử, bao gồm điện thoại và linh kiện đạt 852 triệu USD, tăng 11%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 788 triệu USD, tăng 81%.

Việt Nam xuất khẩu 734.863 tấn dầu thô, đạt 634 triệu USD, giảm 7% về lượng và tăng 42% về trị giá. Dù giảm về lượng nhưng do tác động của giá dầu thô thế giới tăng mạnh trong năm nay (có thời điểm thủng mốc 14 năm, đạt hơn 120 USD/thùng) nên kim ngạch xuất khẩu dầu thô vẫn ghi nhận tăng trưởng dương.

Trong số các mặt hàng chính xuất sang Thái Lan, sắt thép và kim loại là hai mặt hàng ghi nhận tăng trưởng âm về kim ngạch, lần lượt -30% và -0,3%. Đà giảm sâu của sắt thép nguyên nhân chủ yếu do giảm về lượng xuất khẩu, nếu như cùng kỳ năm 2021 đạt 392.366 tấn thì sang năm 2022 chỉ còn đạt 228.470 tấn.

Đây cũng là đà giảm chung của xuất khẩu sắt thép Việt Nam tới các thị trường sau đà tăng "nóng" trong năm 2021. Mặt khác, giá thép có xu hướng giảm theo xu hướng của thế giới do nhu cầu và giá nguyên liệu đầu vào đều giảm.

Ảnh: Bản tin Hiệp hội Thép tháng 11/2022

Ảnh: Bản tin Hiệp hội Thép tháng 11/2022

Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Thái Lan 10 tháng đầu năm 2022 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 277 triệu USD. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, tính đến hết tháng 9/2022, Thái Lan là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam sang khối ASEAN, chiếm khoảng 46% và đạt hơn 70 triệu USD.

Việt Nam là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 2 cho Campuchia

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,93 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong khối ASEAN. Theo báo cáo thị trường của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Việt Nam hiện là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ hai, chiếm 38% tổng kim ngạch nhập khẩu của Campuchia 10 tháng đầu năm 2022.

Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp chế tạo, nhiên liệu, hàng tiêu dùng cho Campuchia như xăng dầu, sắt thép, phân bón, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, hóa chất và một số mặt hàng tiêu dùng khác.

Tương tự Thái Lan, lượng xuất khẩu sắt thép sang Campuchia 10 tháng đầu năm ghi nhận giảm, từ 1,04 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2021 xuống 1,03 triệu tấn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhẹ 4%, đạt 827 triệu USD. Hiện đây là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Campuchia, chiếm 16%.

Sau sắt thép, hàng dệt may đứng thứ hai với 754 triệu USD, tăng 30%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 289 triệu USD, tăng 21%; phân bón đạt 219 triệu USD, tăng 22%...

10 tháng đầu năm, xuất khẩu xăng dầu sang Campuchia của Việt Nam có đà tăng trưởng cao nhất trong số các mặt hàng chính xuất khẩu sang quốc gia này. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 555 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021. Đà tăng này nằm trong xu thế tăng giá xăng dầu của thế giới thời gian qua (chủ yếu do tác động của xung đột Nga – Ukraine).

Xuất khẩu thêm mặt hàng dầu thô vào Malaysia

Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Malaysia đạt 4,75 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp, điện tử. Cụ thể, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,03 tỷ USD, tăng 72%. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu duy nhất sang quốc gia này đạt 1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2022.

Đứng thứ hai là mặt hàng sắt thép đạt 553 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi xuất khẩu sang Thái Lan và Campuchia đều ghi nhận giảm về lượng thì xuất khẩu sang Malaysia lại tăng (khoảng 3.500 tấn), đạt 607.574 tấn sắt thép.

Sản phẩm hóa chất là mặt hàng có kim ngạch cao nhất khi tăng tới 105%, đạt 319 triệu USD. Trong năm nay, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu thêm mặt hàng dầu thô sang Malaysia (trong khi cùng kỳ năm 2021 và cả năm 2021 đều không ghi nhận), đạt 129 triệu USD.

Đối với mặt hàng gạo, hiện đây là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam sang thị trường này, đạt 179 triệu USD. Hiện gạo Việt Nam xuất sang thị trường này chủ yếu vẫn là hàng xuất khẩu thô và được đóng gói bằng bao bì của Malaysia.

Malaysia được đánh giá là thị trường tiềm năng để xuất khẩu khi có nhu cầu nhập khẩu trung bình trên 1 triệu tấn gạo mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hơn 32 triệu người trong nước.

Mặt khác, dù là quốc gia nông nghiệp với gạo là lương thực chính nhưng diện tích canh tác của quốc gia này tương đối thấp, chỉ có 700.000 ha trồng lúa, đây cũng là quốc gia có diện tích trồng lúa ít nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.