Top 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội được nhận gói hỗ trợ ISEE COVID

DOANH NGHIỆP Bền Vững
15:50 - 03/08/2023
Các doanh nghiệp kinh doanh bền vững giúp tạo tác động xã hội tích cực. Ảnh: UNDP.
Các doanh nghiệp kinh doanh bền vững giúp tạo tác động xã hội tích cực. Ảnh: UNDP.
0:00 / 0:00
0:00
Gói hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, gồm khóa huấn luyện chuyên sâu 1:1 trong 6 tháng và 100 triệu đồng vốn hạt giống sẽ được trao cho 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội xuất sắc nhất.

Ngày 3/8, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp cùng Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức họp báo công bố 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) được nhận gói hỗ trợ từ dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với Covid-19" - ISEE COVID năm 2023.

Top 30 tổ chức kinh doanh SIB xuất sắc sẽ được nhận khóa huấn luyện chuyên sâu 1:1 trong 6 tháng và 100 triệu đồng vốn hạt giống. Hỗ trợ này nhằm trao quyền cho các SIB chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới sản phẩm, tạo điều kiện để các SIB phục hồi sau Covid-19 và tham gia tích cực vào hệ sinh thái SIB đang phát triển mạnh mẽ.

Trong tháng 6/2023, Dự án ISEE-COVID đã khởi động “Chương trình đồng hành khôi phục sau Covid-19 năm 2023” nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các SIB với các mô hình kinh doanh có tiềm năng và tác động đáng kể về nông nghiệp, du lịch, giáo dục và y tế/chăm sóc sức khỏe.

Chương trình đã thu hút sự quan tâm của 239 SIB và chọn ra 30 SIB xuất sắc từ nhiều vùng miền của Việt Nam, với hơn 2/3 trong số đó là các doanh nghiệp lấy phụ nữ làm trọng tâm.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, phát triển bền vững đang trở thành xu thế chung, cấp thiết trên thế giới. Các vấn đề về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, thuế carbon, công cụ kiểm chứng carbon là những ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực.

Các nhà mua, nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế cũng ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về tính minh bạch và thực hành kinh doanh bền vững. Do vậy, việc áp dụng các nguyên tắc, mô hình kinh doanh bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn khi tiếp cận các thị trường nước ngoài và tiếp cận được các nguồn vốn xanh.

"Thực hành kinh doanh bền vững không chỉ là cách thức giúp doanh nghiệp đáp ứng các quy định, yêu cầu của thị trường, đối tác, nhà đầu tư, mà còn giúp doanh nghiệp đảm bảo tính bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra cơ hội mới, tạo dựng vị thế mới cho doanh nghiệp”.

Thứ trưởng KH&ĐT Trần Duy Đông

Thông tin về ISEE COVID, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá, gói hỗ trợ đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và thu hút sự tham gia của một số lượng lớn các doanh nghiệp SIB tham gia.

Trong ISEE COVID 2023, 30 SIB hoạt động đa dạng từ sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với phương pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cho đến sử dụng công nghệ mới để tạo việc làm thỏa đáng cho người khuyết tật và thúc đẩy giáo dục hòa nhập, giải quyết vấn đề sức khỏe của người dân.

3 đơn vị ươm tạo là BizCare, Wise và Angle4Us sẽ cùng sẽ làm việc cùng với các SIB để hỗ trợ hoàn thiện mô hình kinh doanh và phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch.

Chúc mừng 30 SIB đã được lựa chọn, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ hy vọng các tổ chức, doanh nghiệp này sẽ tận dụng tối đa lợi ích của chương trình để phát triển và hoàn thiện các sản phẩm và dịch vụ của mình.

Bà Ramla Khalidi nhận định, với sự hỗ trợ của dự án, các sản phẩm và các mô hình kinh doanh mới sẽ được thử nghiệm, có khả năng mở rộng và phù hợp để giải quyết các vấn đề trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19. Đồng thời, các doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ dự án sẽ trở thành những tác nhân chính xây dựng và phát triển Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam.

30 doanh nghiệp kinh doanh bền vững xuất sắc được nhận hỗ trợ. Ảnh: UNDP.

30 doanh nghiệp kinh doanh bền vững xuất sắc được nhận hỗ trợ. Ảnh: UNDP.

"Chúng tôi tin rằng chương trình này sẽ cung cấp kịp thời hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết để giúp SIB xác định các giải pháp phục hồi kinh tế và tăng trưởng trong tương lai. UNDP mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Bộ KH&ĐT và Canada nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái kinh doanh có tác động xã hội sôi động ở Việt Nam”.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam

“Chương trình đồng hành khôi phục sau Covid-19 năm 2023” được triển khai dựa trên thành công của chương trình năm 2022 đã hỗ trợ cho 31 SIB trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch đến từ 16 tỉnh thành trên cả nước.

Kết quả là 100% SIB đã có thể phát triển thành công các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, duy trì hoặc tăng doanh thu, trong đó một số SIB có doanh thu đạt mức cao nhất là tăng 19 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Các SIB tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn đặc biệt là đối với phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. 2 SIB đã huy động được tổng cộng 18 tỷ đồng Việt Nam (hơn 760.000 USD), và ít nhất 3 SIB đã chính thức xuất khẩu sản phẩm của họ ra nước ngoài, tiếp tục nâng cao tốc độ tăng trưởng và tác động của họ.

Dự án ISEE COVID được tài trợ bởi Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada (GAC), và được đồng thực hiện bởi UNDP và Cục phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ KH&ĐT. Dự án nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp có tác động xã hội tại Việt Nam và góp phần giảm tác động của Covid-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Dự án ISEE COVID có mục tiêu tổng thể: Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, góp phần đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.