TP. HCM thu hơn 63 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển sau 1 tuần

THUẾ Việt nAM
13:56 - 12/04/2022
Thu phí hạ tầng cảng biển TP. HCM bắt đầu từ ngày 1/4. Ảnh: Tổng cục Hải quan.
Thu phí hạ tầng cảng biển TP. HCM bắt đầu từ ngày 1/4. Ảnh: Tổng cục Hải quan.
0:00 / 0:00
0:00
Dù có nhiều ý kiến trái chiều về việc thu phí hạ tầng cảng biển TP. HCM từ 1/4 nhưng đề án này vẫn được triển khai, dự kiến đến năm 2025 sẽ thu khoảng 16.000 tỷ đồng và hoàn toàn không dùng tiền mặt.

Theo báo cáo của Cảng vụ đường thủy nội địa TP. HCM lũy kế số tiền khai báo thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển từ 0 giờ 1/4 đến 17 giờ 8/4 là hơn 63 tỷ, trong đó lũy kế số tiền đã thu là gần 48 tỷ.

Nghị quyết 10 của Hội đồng nhân dân TP HCM nêu rõ, tiền phí thu được sẽ bổ sung vào các dự án giao thông biển, bộ kết nối khu vực cảng biển thành phố như mở rộng đường Nguyễn Thị Định, khép kín vành đai 2, mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm).

Theo đề án, mỗi ngày mức thu bình quân là 8,32 tỉ đồng/ngày, dự kiến năm 2022 sẽ thu 3.036 tỉ đồng, trung bình là 58,24 tỷ/tuần. Theo Sở Giao thông Vận tải, đến năm 2025 nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.

Tuy quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của TP. HCM là đúng mục đích và thẩm quyết, nhưng vẫn có các doanh nghiệp, hiệp hội không đồng tình và đưa ra kiến nghị dừng triển khai thu phí từ ngày 1/4.

Lý do đưa ra là các doanh nghiệp, hiệp hội vừa mới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và đang rất khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao, sức mua chưa hồi phục.

Ngay thời điểm TP. HCM áp dụng thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản khẩn đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP. HCM nghiên cứu dừng thu phí loại phí này.

Báo cáo của Ban IV nêu, trong thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội, bao gồm cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đã gửi phản ánh, kiến nghị tới UBND TP HCM và UBND các tỉnh giáp ranh, đồng thời gửi lên các cấp để phản ánh các vấn đề bất cập trong việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển.

MEKONG ASEAN cũng đã ghi nhận những ý kiến khác nhau từ các doanh nghiệp, hiệp hội về vấn đề thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM.

Đưa ra ý kiến từ góc nhìn của mặt hàng xuất khẩu chiếm nhiều chi phí vận tải ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, nên lùi thời điểm triển khai thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM hoặc không thu là tốt nhất.

Ảnh tác giả

“Hiện tại các doanh nghiệp đang phải khắc phục rất nhiều hậu quả của COVID-19, trong khi giá cước vận tải biển, chi phí logistics vẫn đang neo ở mức cao. Nếu tiếp tục thu phí thì sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh phí chồng phí gây nhiều trở ngại cho tốc độ phục hồi”.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Tuy nhiên, việc phản đối thu phí hạ tầng cảng biển không phải là tất cả bởi vẫn có một số ít doanh nghiệp và hiệp hội đồng tình với chủ trương này của TP HCM.

Cụ thể, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam và đại diện một đơn vị logistics là ông Đặng Đình Long, Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Mega A - thành viên của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Kho vận Quốc tế đều cho rằng, thu phí cảng biển để bổ sung vào các dự án giao thông biển, bộ kết nối khu vực cảng biển TP HCM là hoàn toàn phù hợp.

Ảnh tác giả“Cơ sở hạ tầng các cảng biển đã xuống cấp trầm trọng, nếu không triển khai đề án không có kinh phí cải thiện, nâng cấp mới sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất vận tải, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ thu vào thời gian nào là hợp lý”.Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam

Hệ thống thu phí không dùng tiền mặt

Từ 0h ngày 1/4, TP HCM đã chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố. Đề án sẽ bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).

Hình thức thu không sử dụng tiền mặt thông qua hệ thống 24/7 của các ngân hàng thương mại, không ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa. Khi doanh nghiệp nộp phí, dữ liệu sẽ được tích hợp về các cổng cảng biển để quản lý xe ra vào.

Đối với các doanh nghiệp đã làm tờ khai thu phí nhưng chưa kịp nộp tiền, xe chở hàng vẫn ra cảng bình thường. Hải quan và cảng vụ sẽ tiến hành đối soát và gửi thông báo chưa đóng phí cho doanh nghiệp. Việc xử lý như trên để không làm ảnh hưởng tới vận chuyển hàng hóa ra vào cảng.

Chia sẻ về chủ trương tiến hành thu phí trên Cổng thông tin Cảng vụ đường thủy nội địa TP HCM, ông Đặng Ngọc Thành, Phó giám đốc Cảng vụ cho biết, ngày đầu tiên triển khai, cảng vụ đã chủ động phối hợp với Cục Hải quan thành phố, các ngân hàng thương mại hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu. Việc thu phí sử dụng hạ tầng dịch vụ, từ lúc triển khai đến nay hệ thống hoạt động tốt, đáp ứng việc khai báo và nộp của các doanh nghiệp cá nhân đều thực hiện thuận lợi, trơn tru.

“Hoạt động thu phí hạ tầng đều sử dụng qua công nghệ và không sử dụng tiền mặt. Do đó không cần có chốt hay trạm thu phí ở các cảng. Các hoạt động theo dõi và liên kết với các bên chỉ cần làm việc trên hệ thống mà đơn vị đã chuẩn bị từ trước đó”, ông Thành thông tin.

Trước đó, để các doanh nghiệp và đơn vị quản lý quen dần với các thao tác thu phí hạ tầng cảng biển, UBND TP HCM đã tiến hành thu phí thử nghiệm với “môi trường thật - không thu phí” trong thời gian từ ngày 16/2 đến 15/3. Các doanh nghiệp, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố và hải quan sẽ làm các thủ tục thu phí như bình thường với mức 0 đồng để rút kinh nghiệm nhằm sẵn sàng thu phí chính thức.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.