Trạm biến áp 220kV Krông Ana áp dụng mô hình BIM đã đóng điện thành công

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
12:01 - 21/12/2021
Đóng điện Trạm biến áp 220kV và đấu nối Krông Ana tại xã Đrây Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk
Đóng điện Trạm biến áp 220kV và đấu nối Krông Ana tại xã Đrây Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk
0:00 / 0:00
0:00
Đây là Trạm biến áp 220kV đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi số áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành.

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện máy biến áp AT1 thuộc dự án Trạm biến áp 220kV Krông Ana và đấu nối.

Trạm biến áp 220kV Krông Ana và đấu nối là công trình năng lượng nhóm I, với tổng mức đầu tư khoảng 280 tỷ đồng, được xây dựng trên địa bàn xã Đrây Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án có quy mô xây dựng mới TBA 220/110/22kV, công suất đặt 2x125MVA theo quy hoạch, giai đoạn này lắp đặt một máy 125MVA. Dự án xây dựng đường dây mạch kép 220kV dài khoảng 22,2 km đấu nối trên đường dây 220kV Buôn Kuốp – Krông Buk hiện có.

Dự án này do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung quản lý điều hành dự án, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 tư vấn thiết kế; Công ty Truyền tải điện 3 tiếp nhận vận hành.

Đây là Trạm biến áp 220kV đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình thông tin kỹ thuật số (BIM) trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành.

Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, mô hình thông tin công trình (BIM) là một phương pháp để tối ưu hóa quá trình thiết kế thi công và vận hành của công trình xây dựng.

BIM cung cấp công cụ là các mô hình trực quan, cùng với các yếu tố tích hợp như tiến độ thi công, biểu đồ nhân công, biểu đồ phát triển, giá thành công trình,… các quy trình được tiêu chuẩn hóa, kiểm soát xuyên suốt giúp Ban quản lý dự án theo dõi, giám sát việc thực hiện thiết kế, thi công thuận lợi hơn, chính xác hơn; điều phối việc phối hợp thực hiện dự án giữa các nhà thầu và các đơn vị liên quan; giúp xử lý và lường trước các tình huống có thể xảy ra tại công trường; giảm thiểu lãng phí và tăng hiệu quả thực thi của dự án.

Được khởi công ngày 07/07/2020, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng công trình vẫn hoàn thành đúng tiến độ.

Công trình được xây dựng giúp truyền tải giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực lên hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk.

Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên

Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Đắk Lắk có nhiều lợi thế và tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo.

Tiềm năng kỹ thuật điện năng lượng mặt trời có thể khai thác với công suất 16.000 MWp nhờ lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt 4,7 – 5 kWWh/m2/ngày, đạt quy mô công suất 120.564MW.

Tiềm năng kỹ thuật điện gió với quy mô công suất 26.921MW tập trung tại khu vực phía Bắc của tỉnh với tốc độ gió đạt 6 m/s trở lên.

Về điện sinh khối, với nguyên liệu dồi dào từ các phụ phế phẩm nông nghiệp như bã mía (gần 8 triệu tấn) và từ cuống sắn (2,5 triệu tấn), có thể sản xuất điện đạt công suất 120 MW.

Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đưa vào vận hành phát điện thương mại nguồn năng lượng tái tạo đạt quy mô công suất 2.000-3.000 MW cho giai đoạn 2020-2025 và công suất 3.000-4.000 MW cho giai đoạn 2026-2030.

Đọc tiếp