Trồng lúa để bảo tồn sếu đầu đỏ tại Campuchia

NÔNG NGHIỆP Campuchia
20:43 - 30/11/2021
Sếu đầu đỏ trên các cánh đồng tại tỉnh Anlung Pring, Campuchia. Ảnh: NatureLife Cambodia
Sếu đầu đỏ trên các cánh đồng tại tỉnh Anlung Pring, Campuchia. Ảnh: NatureLife Cambodia
0:00 / 0:00
0:00
Tại Campuchia, tổ chức BirdLife International đang phối hợp cùng các nông dân địa phương trồng các loại lúa thích hợp với sếu đầu đỏ nhằm bảo tồn loài chim đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này.

Sếu đầu đỏ là loài chim ưa thích các vùng đất ngập nước đầy phù sa của Đồng bằng sông Mekong tại Campuchia và Việt Nam. Ở đây, loài chim này sẽ kiếm ăn bằng cách bắt các loại côn trùng và ăn các loại gạo bản địa của Campuchia như boka teourm và pong lolok.

Khi nhiều đất được sử dụng hơn cho nông nghiệp, môi trường sống tự nhiên của loài sếu đã bị thu hẹp. Theo ông Vorsak Bou, giám đốc chương trình BirdLife International tại Campuchia, số lượng loài sếu tại nước này đã giảm hơn 70% chỉ trong thập kỷ qua. Thuốc trừ sâu và phân bón nhân tạo cũng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến loài sếu và dẫn đến cái chết sớm của nhiều cá thể.

Do đó, hơn 17ha đất nông nghiệp – một khu vực có diện tích gấp bốn lần Padang ở Singapore - đã được chỉ định là khu bảo tồn để trồng "lúa dành cho sếu". Công trình này nằm ở tỉnh Anlung Pring ở Đông Nam Campuchia, gần biên giới với Việt Nam.

Theo sáng kiến của BirdLife International và đối tác địa phương của tổ chức là NatureLife Campuchia, nông dân được khuyến khích thực hành các phương pháp canh tác thân thiện với sếu. Với sự hỗ trợ của Bộ Môi trường Campuchia và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Hà Lan, những nông dân tham gia cũng sẽ được trả trước 10 năm. Khoản thanh toán này bao gồm thêm 30% thu nhập ròng mà họ thu được từ mảnh ruộng này.

Nhóm 41 nông dân tham gia vào sáng kiến đầu tiên sẽ phải tuân theo 12 điều kiện nghiêm ngặt. Các điều kiện này bao gồm cắt giảm dần việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón, hạn chế khai thác gỗ và xâm phạm trái phép vào khu bảo tồn cũng như hợp tác với chính quyền và các cơ quan trong việc giám sát chương trình.

Ngoài ra, họ cũng phải giữ lại ít nhất 5% hoa màu để làm thức ăn cho sếu.

Nông dân Campuchia thu hoạch lúa dành cho sếu tại tỉnh Anlung Pring. Ảnh: NatureLife Cambodia

Nông dân Campuchia thu hoạch lúa dành cho sếu tại tỉnh Anlung Pring. Ảnh: NatureLife Cambodia

Trong quá trình thực hiện, dự án cũng vấp phải nhiều khó khăn. Do thị trường tiêu thụ các loại gạo bản địa hạn chế, một số nông dân vẫn thích trồng gạo jasmine phổ biến hơn. Họ cũng biểu hiện chần chừ trong việc ngừng sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong các hoạt động canh tác.

Tuy nhiên, những người khác lại tiếp thu việc này dễ dàng hơn. Anh Taum Ke, một người tham gia chương trình cho biết: "Những con sếu xinh đẹp này đã có mặt ở làng tôi từ khi tôi còn nhỏ. Một số người dân trong làng do dự vì họ không hiểu kế hoạch này, nhưng tôi thì vui vẻ tham gia vì nó sẽ giúp bảo tồn đàn sếu".

Tiến sĩ Yong Ding Li, điều phối viên khu vực tại BirdLife International, chia sẻ việc trồng lúa cho sếu là hoạt động gần đây nhất trong chuỗi các chương trình nông nghiệp liên kết đa dạng sinh học được thực hiện ở khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó ở Indonesia, một chương trình trồng cây cà phê dưới các gốc cây cổ thụ cũng đã được triển khai. Qua chương trình này, môi trường sống tự nhiên của loài vượn bạc đang có nguy cơ tuyệt chủng được bảo tồn, đồng thời người nông dân cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập.

Đọc tiếp