Trung Quốc bình thản trước Omicron

COVID-19 TRUNG QUỐC
16:11 - 01/12/2021
Mọi người xếp hàng để nhận mũi tiêm Covid-19 bên ngoài một điểm tiêm chủng ở Quảng Châu vào tháng 5/2021. Ảnh: Reuters
Mọi người xếp hàng để nhận mũi tiêm Covid-19 bên ngoài một điểm tiêm chủng ở Quảng Châu vào tháng 5/2021. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi các nước trên thế giới hối hả tăng cường các biện pháp ngăn chặn biến chủng mới Omicron, Trung Quốc tỏ ra bình thản và tự tin vào chiến lược “Zero Covid” không chung sống với virus vốn duy trì từ đầu dịch đến nay.

"Biến chủng Omicron sẽ không gây ra tác động lớn đến đất nước vào lúc này", Tiến sĩ Zhang Wenhong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Thượng Hải viết trong bài đăng trên mạng xã hội hôm 28/11. "Chiến lược phản ứng nhanh hiện nay của Trung Quốc có khả năng ứng phó tất cả biến chủng nCoV mới", chuyên gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu Trung Quốc về Covid-19 này nói thêm.

Với “Zero Covid”, Trung Quốc bình thản chống dịch, trái ngược với các biện pháp siết chặt hạn chế đi lại, đóng biên giới mà hàng chục nước hối hả áp dụng ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại hôm 26/11. Ngay cả khi đặc khu Hong Kong ghi nhận hai ca nhiễm Omicron, Trung Quốc vẫn rất lạc quan với khả năng kiểm soát của mình.

Siết chặt kiểm soát từ đầu đại dịch

Trong suốt đại dịch, dù không đóng biên hoàn toàn nhưng chính phủ Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới và các khu cách ly cộng đồng một cách nghiêm ngặt hàng đầu thế giới. Nước này vô cùng thận trọng trước các ca Covid-19 nhập cảnh.

Trung Quốc bình thản trước Omicron ảnh 1

Trung Quốc tiếp tục kiên trì với chiến lược “Zero Covid” để kiểm soát dịch bệnh.Ảnh: EPA-EFE

Do vậy, Trung Quốc cấm hầu hết người nước ngoài (du khách, sinh viên quốc tế) nhập cảnh, nhưng vẫn duy trì một số đường bay quốc tế trong suốt đại dịch. Với số lượng hành khách ít ỏi được nhập cảnh, cũng như những công dân Trung Quốc về nước, họ phải đi cách ly tập trung ít nhất 14 ngày, thậm chí có thể bị kéo dài tới 28 ngày, tiếp đó là khoảng thời gian theo dõi y tế tại nhà.

Tại một hội nghị ở Quảng Châu cuối tuần qua, Zhong Nanshan, chuyên gia về bệnh đường hô hấp hàng đầu Trung Quốc và là cố vấn chính phủ, cũng cho biết nước này không có kế hoạch thực hiện bất kỳ "hành động đáng kể nào" để ứng phó biến chủng Omicron.

"Biến chủng này rất mới. Chúng tôi cần đánh giá mức độ gây tổn hại, tốc độ lây lan, liệu nó có khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn hay không và có cần phát triển loại vaccine chống lại nó hay không. Vẫn còn quá sớm để chúng tôi đưa ra kết luận", ông Chung phát biểu tại hội nghị.

Kiên trì chiến lược chống dịch khắt khe

Chiến lược "Zero Covid" được Trung Quốc kiên trì áp dụng trong suốt hai năm qua, ngay cả khi phần lớn thế giới dần chấp nhận sống chung với đại dịch. Giờ đây, chiến lược này được truyền thông trong nước ca ngợi là hướng đi đúng đắn, đặc biệt là trong bối cảnh những biến chủng như Omicron xuất hiện.

Trung Quốc bình thản trước Omicron ảnh 2

Các nhân viên hỗ trợ tại một điểm tiêm chủng Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 15/4. Ảnh: Reuters.

"Các nước lớn khu vực phương Tây đã ngừng đường bay với nhiều quốc gia như Nam Phi. Điều này cho thấy họ đang hoảng sợ. Cách tiếp cận chỉ dựa vào vaccine để thiết lập lá chắn miễn dịch của các nước phương Tây là đầy rủi ro, thậm chí là còn có thể gây thất bại trên quy mô lớn”, Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong bài xã luận hôm 28/11.

"Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc bị nhiều nước phương Tây chỉ trích. Tuy nhiên, nếu biến chủng Omicron gây ra làn sóng lây nhiễm mới, chính Trung Quốc sẽ là nước có khả năng ngăn chặn tốt nhất", bài viết chỉ ra. Tờ báo đối ngoại của Trung Quốc này còn khẳng định: "Trung Quốc là pháo đài bất khả xâm phạm đích thực trước sự lây lan toàn cầu của virus hiện nay".

Mối lo ngại toàn cầu ngày càng tăng và hàng loạt lệnh cấm đi lại được các nước áp đặt vì biến chủng Omicron nhiều khả năng sẽ củng cố chiến lược "Zero Covid" của Trung Quốc. Hiện Bộ Y tế nước này vẫn tìm cách phát triển thuốc điều trị hiệu quả nhằm đề phòng những rủi ro khi tái mở cửa.

Theo nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm rất lớn nếu từ bỏ cách tiếp cận không khoan nhượng với đại dịch bằng cách dỡ những hạn chế đi lại theo mô hình phương Tây. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, nếu áp dụng chiến lược chống dịch như Mỹ, Trung Quốc có thể ghi nhận ít nhất 637.155 ca nhiễm mới một ngày.

"Ước tính này cho thấy nguy cơ cận kề về một đợt bùng phát khổng lồ. Nếu làn sóng dịch xảy ra, gánh nặng tài chính sẽ chèn ép lên hệ thống y tế", báo cáo đánh giá. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng mở cửa nếu chỉ dựa vào miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine.

Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học của CDC Trung Quốc, đã nhanh chóng chia sẻ phát hiện này tại một hội nghị ở Bắc Kinh hôm 28/11, đồng thời gọi chiến lược "Zero Covid" của Trung Quốc là "vũ khí kỳ diệu" để kiểm soát đại dịch.

"Chúng ta phải kiên trì theo đuổi chiến lược này, ít nhất trong suốt mùa đông năm nay và mùa xuân năm sau", ông tuyên bố.

Tin liên quan

Đọc tiếp