Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh và Australia

Tàu ngầm AUKUS
15:09 - 14/03/2023
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia USS Missouri (SSN 780) của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia USS Missouri (SSN 780) của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc chỉ trích thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh và Australia là hành động bỏ bê nghĩa vụ, với tư cách là cường quốc hạt nhân và là thành viên Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968.

“Kế hoạch hợp tác tàu ngầm hạt nhân là một hành động trắng trợn tạo ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng, làm suy yếu hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực”, phái đoàn Trung Quốc tuyên bố trên Twitter sáng ngày 14/3, theo RT.

Phái đoàn này đồng thời cáo buộc Mỹ, Anh “vi phạm về đối tượng và mục đích của hiệp ước NPT” khi “đang chuyển hàng tấn uranium được làm giàu ở cấp độ vũ khí sang quốc gia phi vũ khí hạt nhân”. Họ cho rằng đây là “trường hợp tiêu chuẩn kép” và kêu gọi 3 quốc gia “tôn trọng nghĩa vụ với tư cách là thành viên của NPT”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa bình luận về thỏa thuận trên.

Trước đó, tại cuộc họp báo vào ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Bắc Kinh lo ngại AUKUS có thể gây ra rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân, ảnh hưởng đến chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, kích động một cuộc chạy đua vũ trang và phá hoại hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh và Australia ảnh 1

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại buổi lễ công bố thỏa thuận tàu ngầm, San Diego. Ảnh: Reuters

Sáng ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã dự buổi lễ công bố thỏa thuận hợp tác nhằm cung cấp các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia từ đầu những năm 2030.

Theo đó, Australia sẽ mua ít nhất 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Nước này có thể được mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết.

3 quốc gia này cũng công bố dự án tàu ngầm mới có tên SSN-AUKUS. Loại tàu này sẽ được chế tạo ở Anh và Australia, với công nghệ và hỗ trợ của Mỹ. Dự kiến Anh sẽ ra mắt chiếc tàu ngầm SSN-AUKUS đầu tiên vào cuối những năm 2030 và Australia sẽ cho ra chiếc đầu tiên vào đầu những năm 2040.

Một quan chức quốc phòng Australia cho biết, chương trình tàu ngầm của nước này với Anh và Mỹ sẽ tiêu tốn đến 368 tỷ AUD (245 tỷ USD) đến năm 2055. Số tiền này cũng sẽ chiếm khoảng 0,15% GDP của Australia mỗi năm và sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong hơn 30 năm tới.

Theo Reuters, trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh Rishi Sunak ở San Diego, khi được hỏi liệu ông có lo lắng Trung Quốc sẽ coi “thỏa thuận mua tàu ngầm là hành vi gây hấn” hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời "không". Ông Biden cho biết sẽ sớm trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng không tiết lộ cụ thể.

Hồi giữa tháng 2, nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến sẽ nói chuyện với ông Tập về vụ việc khinh khí cầu Bắc Kinh bay qua không phận Mỹ, nhưng vẫn chưa có cuộc điện đàm nào được thực hiện.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuần trước cho biết Washington muốn thiết lập lại liên lạc thường xuyên với Bắc Kinh, đồng thời ông Biden dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với ông Tập sau khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) bế mạc vào ngày 13/3.

Tin liên quan

Đọc tiếp