Trung ương Đảng sẽ bàn việc thực hiện chế độ tiền lương mới

TIỀN LƯƠNG CHÍNH SÁCH
18:10 - 02/10/2023
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP
Tổng bí thư đề nghị Trung ương thảo luận về sự cần thiết, đúng đắn của thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ngày 2/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một số ý kiến, có tính chất gợi mở để Trung ương nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024, Tổng Bí thư đề nghị nghiên cứu thật kỹ tờ trình và các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024.

Trong đó, chú ý đến những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài; thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chậm được bổ sung, sửa đổi; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…

Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.

Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội, Tổng Bí thư cho biết, đất nước đã phát triển, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ. Kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được nâng lên; các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng; thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; hệ thống y tế, giáo dục, an sinh và trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng…

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhận định, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém và nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng đề ra, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về nhận định, đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về vấn đề đặc biệt quan trọng này.

Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương và các đại biểu chú ý phân tích, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới…; cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết mới và những nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về "Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc".

Về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Tổng Bí thư cho rằng bối cảnh tình hình mới đòi hỏi phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - nguyên khí của quốc gia.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cho ý kiến đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức; từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức; chú ý kế thừa những nội dung còn nguyên giá trị của Nghị quyết Trung ương 7 khoá X, và bổ sung, phát triển những nội dung mới, phù hợp với thời kỳ mới.

Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương đánh giá thật khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu.

Đồng thời, cần phân tích thật thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế. Tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải vượt qua để chủ động từ sớm, từ xa, trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV, Tổng Bí thư cho biết, trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.

Ngày 7/7, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch 17 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031. Kế hoạch xác định rõ quan điểm, nguyên tắc, tiêu chuẩn, cơ cấu, đối tượng và độ tuổi, quy trình giới thiệu, phê duyệt quy hoạch, hồ sơ nhân sự, số lượng phát hiện giới thiệu đưa vào quy hoạch...

Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thật sự khách quan, công tâm, thể hiện chính kiến của mình đối với Tờ trình và dự kiến Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.