Hôm 29/3, Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố dữ liệu vĩ mô cho thấy tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý I/2022 ước đạt 5,03%. Mức tăng trưởng này tương đối sát với dự báo của một số tổ chức nghiên cứu, chẳng hạn VCBS hồi giữa tháng 2 dự báo tăng trưởng GDP quý I khoảng 5,67%.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá năng lượng và nguyên liệu đầu vào là những nguyên nhân chính đưa CPI tăng mạnh như vậy.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực tiếp sức cho nền kinh tế và nhiều gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đang được tích cực thúc đẩy hoặc chuẩn bị triển khai, hoàn toàn có cơ sở để mong chờ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong phần còn lại của năm. Tuy nhiên, như giới chuyên gia nhận định, áp lực kiểm soát lạm phát là rất lớn.
MEKONG ASEAN đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong về tình hình tăng trưởng và lạm phát trong quý I cũng như triển vọng phục hồi, phát triển kinh tế trong phần còn lại của năm.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong (Ảnh: Reatimes) |
PV: Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông đánh giá ra sao về mức tăng trưởng 5,03% của quý I/2022? Liệu con số này có tương xứng với kỳ vọng?
Đây là một chỉ số tốt và cũng không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Nguyên nhân quan trọng nhất cho sự phục hồi kinh tế là chúng ta đã thúc đẩy bình thường hóa hoạt động kinh tế từ quý IV năm ngoái. Trên thực tế, đến nay chúng ta đã gần như bình thường hóa hoàn toàn, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đó là lẽ tự nhiên.
PV: Nhìn vào bức tranh kinh tế quý I và các diễn biến quốc tế hiện nay, liệu mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Quốc hội đặt ra cho năm nay có khả thi không thưa ông?
Như tôi đã nói, yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng là đại dịch trong nước về cơ bản đã được kiểm soát và chúng ta đang bình thường hóa trở lại, xu hướng này rất khó đảo ngược. Yếu tố thứ hai là tình hình quốc tế, hiện tại chiến sự ở Ukraine đang cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Do đó về cơ bản, tôi cho rằng thách thức này có lẽ sẽ được giải quyết trong vòng quý II tới thôi.
PV: Vậy đâu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong phần còn lại của năm, thưa ông?
Động lực quan trọng nhất là chúng ta đã có một nền tảng tăng trưởng tốt và vĩ mô ổn định từ 2019 trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Chúng ta cũng đã nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng ấy trong thời kỳ dịch bệnh. Đến nay, Đảng và Chính phủ đã kiểm soát khá thành công đại dịch COVID-19, do đó tâm lý chung của người dân và doanh nghiệp là tin tưởng vào sự điều hành của Nhà nước. Đây là những yếu tố rất quan trọng để kích thích tâm lý đầu tư cũng như tiêu dùng.
Về đầu tư, ta thấy rất rõ thực tế và triển vọng thu hút FDI là rất khả quan. Dù vốn FDI đăng ký 3 tháng đầu năm chỉ đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng vốn thực hiện ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%. Đây là mức vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Về tiêu dùng, riêng tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2021. Tôi đánh giá như vậy là tiêu dùng đã tăng gần trở lại mức trước đại dịch năm 2019. Đó là tín hiệu cho thấy thị trường trong nước vẫn còn tiềm lực và chúng ta đang tận dụng, khai thác tốt những động lực phục hồi nội tại.
Một động lực đáng chú ý khác là chúng ta có các FTA thế hệ mới, ngay cả Hiệp định RCEP cũng bắt đầu có hiệu lực. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu và tiếp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, tất nhiên dựa trên những lợi thế của nền kinh tế.
Cuối cùng là động lực dựa trên quyết tâm của cộng đồng, quyết tâm chính trị trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Ông nhận định ra sao về mức tăng CPI 2,41% của tháng 3 và 1,92% của cả quý I so với cùng kỳ năm ngoái? Con số này đã phản ánh đầy đủ mức tăng giá cả trong nền kinh tế hay chưa thưa ông?
Việc CPI phản ánh đầy đủ mức tăng giá trong nền kinh tế hay chưa là rất khó nói, có thể nhiều yếu tố còn chưa tác động hoặc chưa phản ánh đầy đủ vào CPI. Tuy nhiên, tinh thần chung là tin tưởng con số thống kê đã công bố, chúng ta đã có quy định về sự minh bạch thống kê rồi.
Nhìn chung, tôi đánh giá mức tăng CPI lên tới 2,41% trong tháng 3 phản ánh đúng thực tế giá cả nhiều mặt hàng trong nền kinh tế tăng lên do tác động của giá cả quốc tế và nhiều yếu tố khác.
Trong thời gian tới, chắc chắn lạm phát sẽ khó giảm. Trừ trường hợp các quan hệ quốc tế cải thiện rất tích cực, giá xăng dầu và nguyên vật liệu giảm thật mạnh thì lạm phát trong nước mới có khả năng giảm được, nhưng kịch bản này khó xảy ra. Còn việc liệu lạm phát cuối năm tăng lên bao nhiêu, liệu có vọt lên trên 4% hay thậm chí trên 5% hay không thì vẫn là một ẩn số.
Nhìn chung, tôi nhận định lạm phát năm nay có thể vượt mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đưa ra một chút, nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% là rất khả quan.
PV: Xin cảm ơn ông!