UBTVQH: Làm rõ lý do 'tiếp dân ít, ủy quyền nhiều'

QUỐC HỘI Việt nAM
18:25 - 11/10/2023
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ lý do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều" trong tiếp dân. 

Tiếp tục Phiên họp thứ 27, chiều ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023 số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, phản ánh tăng 37,5% so với năm 2022 với tổng số người được tiếp tăng 41,8% và hơn 294.000 vụ việc.

Các cơ quan hành chính tiếp nhận 446.805 đơn các loại, đã xử lý 422.801 đơn; qua xử lý có 50.533 đơn khiếu nại, 21.767 đơn tố cáo. Về kết quả giải quyết, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, đã giải quyết kịp thời 81,8% các vụ việc khiếu nại và 86,2% vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho biết, trong công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo so với quy định của luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng "tiếp dân ít, ủy quyền nhiều"

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật ghi nhận các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện tốt công tác tiếp công dân.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh (tăng 268,6%).

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp phù hợp xử lý và khắc phục tình trạng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết việc chấp hành quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (đạt 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021.

Tuy nhiên, trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%). Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều".

Bên cạnh đó, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, trong báo cáo gộp số ngày Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp Phó tiếp là chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân.

Theo báo cáo của Chính phủ, so với năm 2022, tổng số đơn các loại do cơ quan hành chính Nhà nước tiếp nhận tăng 29,6%, trong đó, hơn 440.000 đơn đã được xử lý (99,1%).

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp.

Chỉ rõ địa chỉ "lười tiếp dân"

Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ảnh hưởng như thế nào đến tình hình trật tự, an toàn xã hội, bổ sung, làm rõ "địa chỉ" cụ thể cá nhân, cơ quan, địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Việc này để xác định trách nhiệm và có chế tài xử lý thích hợp, giúp cho công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời gian tới tại những nơi này có chuyển biến thực sự, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật.

Công khai tên danh mục những bộ ngành, địa phương chưa làm tốt

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy kết quả này, làm tốt hơn công tác trong thời gian tới.

Để tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp. Phân tích chỉ rõ nguyên nhân số vụ việc, số đơn khiếu nại, tố cáo tăng lên; có lộ trình giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung nêu cụ thể công khai tên danh mục những bộ ngành địa phương cơ quan đơn vị chưa làm tốt, chưa chấp hành nghiêm quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, những nơi còn nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước ngày 18/10. Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với các cơ quan thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Đọc tiếp