Ứng phó với tình trạng “giật cục” của giá xăng dầu

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
06:21 - 10/09/2022
Ảnh: Quách Sơn
Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Sau hệ lụy do đại dịch Covid-19, tình hình giá xăng dầu biến động từ đầu năm đến nay đã tác động trực tiếp tới mọi mặt kinh tế - xã hội, đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất, phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao.

Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Tại Toạ đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do báo Đầu tư tổ chức ngày 8/9, từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Hoạt động dầu khí có nhiều rủi ro, có tính quốc tế, cần quan tâm đến thông lệ quốc tế.

Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí - hoạt động thượng nguồn dầu khí, còn các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí, như lọc hóa dầu, sản xuất phân bón và sản xuất điện, được điều chỉnh bằng các luật khác”.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo ông Hiếu, bối cảnh thị trường và điều kiện đất nước cho thấy, việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là cần thiết. Ví dụ để xây dựng một đường ống dẫn khí, phải chiểu theo nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Do đó các quy định trong dự án luật nên theo hướng cho phép thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí theo chuỗi, tránh một việc phải trình nhiều cơ quan, bộ ngành cũng như tránh xung đột về pháp lý.

Là đơn vị tham vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho biết, giá dầu thô thế giới tăng mạnh có tác động hai chiều tới thu - chi ngân sách nhà nước. Trong đó, thu ngân sách nhà nước từ dầu thô, khí thiên nhiên và chế biến dầu khí, hoạt động xuất nhập khẩu tăng.

Tuy nhiên, giá xăng tăng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, làm suy giảm sức mua và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới thu ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Theo ông Khôi, định lượng tác động của giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine cho thấy, với giả định giá dầu thế giới tăng 40 USD/thùng, cùng với (1) Rủi ro đầu tư tại Nga tăng 4 điểm phần trăm, tại Ukraine tăng 2 điểm phần trăm và tại EU tăng 0,5 điểm phần trăm; (2) Chi tiêu Chính phủ của EU cho các nước ngoài EU tăng 0,5% GDP; (3) Xuất khẩu của Nga và các nước phát triển trong EU giảm 30 điểm % năm 2022 và sau đó tăng về kịch bản cơ sở; (4) Shock tỷ giá RUB trong hai năm 2022 và 2023; (5) Nhập cư từ Nga sang Ba Lan, Đức thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm lần lượt 0,38 điểm % và 0,84 điểm % so với tăng trưởng kinh tế trong trường hợp không có căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra (kịch bản cơ sở); lạm phát tại Việt Nam tăng thêm 1,8 điểm % trong năm 2022 và 1,62 điểm % trong năm 2023.

Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan

Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô,

Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan

Trong khi đó ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan, đã đưa ra những bài học kinh nghiệm ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu trên thế giới.

Ông Kenya nhận định: “Nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng. Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, chúng tôi dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.

Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả khi thị trường không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng”.

Biến động giá dầu và nỗi lo của doanh nghiệp

Thời gian qua, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 chưa kịp phục hồi thì nay lại thêm vấn đề mới đó là giá cả tăng cao, gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành vận tải.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logisitics Việt Nam, giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics khi phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.

Ông Trung chia sẻ: “Giá nhiên liệu tăng không có nghĩa sẽ tăng được giá cước theo tỷ lệ tương ứng, nhất là khi mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, giá cước vận chuyển phụ thuộc nhiều vào quy luật cung cầu trên thị trường. Thông thường, trong các hợp đồng vận tải đều có điều khoản quy định về cam kết thực hiện lâu dài với mức phí ổn định. Đây là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp logistics”.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp logistics đã áp dụng các biện pháp ứng phó cần thiết, trong đó có 2 giải pháp chính là giải pháp kỹ thuật và giải pháp thương mại.

Giải pháp kỹ thuật được áp dụng khi giá nhiên liệu tăng, các đơn vị sẽ điều chỉnh công tác quản trị, điều chỉnh định mức, điều chỉnh tốc độ tàu (hàng hải)… để không ảnh hưởng đến giá thành vận tải.

Giải pháp thương mại được áp dụng nhằm hỗ trợ hàng hóa lưu thông, không làm ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Các doanh nghiệp sẽ tìm cách chạy 2 chiều thay vì chạy hàng 1 chiều như trước. Hàng hóa thông thường phải trung chuyển mất rất nhiều thời gian sẽ được thay thế bằng cách kết nối với đường sắt (chi phí rẻ hơn). Đồng thời phải tính toán phương án vận tải để đối phó với biến động giá dầu.

Chi phí nhiên liệu tăng sẽ buộc các doanh nghiệp vận tải xem xét lại tốc độ khai thác tàu hợp lý để tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát chặt chẽ hơn định mức tiêu thụ nhiên liệu, tính toán phương án tuyến khai thác hợp lý, mở các tuyến vận tải mới chạy trực tiếp, áp dụng nâng cao hàm lượng công nghệ trong cơ cấu dịch vụ... để có thể giảm thiểu chi phí khai thác.

Tuy nhiên các biện pháp điều chỉnh, ví dụ như điều chỉnh giảm tốc độ tàu, đều sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ qui trình khai thác, khả năng đàm phán lựa chọn các hợp đồng có giá cước cao, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các hợp đồng dịch vụ cam kết dài hạn.

Cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Để ứng phó với tình trạng giá dầu biến động “giật cục” lúc tăng lúc giảm như vậy, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư đặt ra câu hỏi, liệu những biện pháp áp dụng như trong thời gian vừa qua đã phù hợp thực tế hay chưa.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp khẳng định, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt.

Tuy nhiên, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí.

Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát; đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.

Đại diện ý kiến doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung cho rằng các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá nhiên liệu trong nước, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường (các loại thuế phí này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá nhiên liệu).

Ông Trung đề nghị Chính phủ thúc đẩy nhanh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục các biện pháp giảm thuế và ổn định giá xăng dầu ít nhất là hết quý II/ 2023 nhằm giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải logistics khôi phục và ổn định sản xuất, giảm chi phí logistics.

Với vai trò là trung gian giữa bên mua và bên bán, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam chia sẻ, trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.

“Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ sớm đồng bộ các chính sách của các Bộ ban ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả. Với tư cách là hội viên của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp trong Hiệp hội có sự quan tâm rất lớn tới các công cụ bảo hiểm giá này, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả,” ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam bổ sung ý kiến đối phó với tình hình biến động bất thường của giá xăng dầu bằng những giải pháp như tăng dự trữ quốc gia, chính sách tài khóa thông qua các loại thuế (điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường), xem xét tính mở của thị trường và xem xét rà soát thuế suất ưu đãi tối huệ quốc.

Trong khi đó, thách thức lớn nhất hiện nay khi giá xăng dầu tăng cao có tác động thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, chuyển từ xăng sang điện hoặc sử dụng các loại năng lượng mới. Doanh nghiệp phải mất thời gian từ 4-5 năm để chuyển dịch về công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị phù hợp với năng lượng mới với vốn đầu tư lớn nhưng vẫn chưa có lãi – hiệu quả kinh tế chưa có. Lúc này Nhà nước cần can thiệp. Trợ giá chỉ là một phần và Nhà nước cần quan tâm hơn tới các đối tượng bị ảnh hưởng khác khi điều chỉnh biện pháp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, vấn đề chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam chưa đi vào bản chất là tiêu thụ ít hơn, xanh hơn, hiệu quả hơn và phát khí thải ít hơn. Chuyển dịch năng lượng không phải đơn thuần là chuyển từ loại nhiên liệu này sang loại nhiên liệu khác, hay đổi cách tiếp cận từ nguồn cung năng lượng, làm sạch nguồn cung chưa chắc đã là chuyển dịch năng lượng.

Các chỉ đạo của Chính phủ cần được thực thi một cách quyết liệt, kịp thời và đồng bộ hơn. Ngoài các biện pháp ổn định giá trong thời gian tới, cần có các biện pháp giảm thuế để tác động đến giá cơ sở. Chuyển dịch năng lượng cũng cần xét đến hiệu quả và chính sách lâu dài.

Tin liên quan

Đọc tiếp