Vận tải Xếp dỡ Hải An đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 giảm sâu

HAH Vận tải biển
17:03 - 11/01/2023
Vận tải và Xếp dỡ Hải An nhiều khả năng đã đi qua thời điểm đỉnh lợi nhuận.
Vận tải và Xếp dỡ Hải An nhiều khả năng đã đi qua thời điểm đỉnh lợi nhuận.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán HAH) ước lãi kỷ lục trong năm 2022 với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 827 tỷ đồng. Tuy nhiên sang năm 2023, công ty đặt mục tiêu “đi lùi” sâu.

Trong Nghị quyết HĐQT ngày 10/1, Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho biết tổng doanh thu năm 2022 đạt 3.184 tỷ đồng, đạt 133% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 827 tỷ đồng, đạt 150% kế hoạch. So với năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của HAH tăng lần lượt 61% và 87%.

Tuy vậy, kế hoạch năm 2023 của doanh nghiệp này lại không mấy triển vọng. Hải An dự tính doanh thu năm sau có thể đạt hơn 2.698 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 300 tỷ đồng. So với ước tính năm nay, 2 chỉ tiêu lần lượt giảm 16% và 64%.

Vận tải và Xếp dỡ Hải An đặt kế hoạch thận trọng trong bối cảnh ngành vận tải đối mặt nhiều thách thức sau 2 năm hưởng lợi nhờ nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu tăng mạnh chưa từng thấy trong giai đoạn dịch Covid-19.

Theo chỉ số Drewry World Container Index (8 tuyến vận tải lớn), chi phí vận chuyển container 40 feet đã đạt đỉnh ngày 30/9/2021 là 10.360,87 USD/40ft, tức tăng 589% từ đầu tháng 3/2020 (1.504 USD/40ft) và ngay sau đó lao dốc. Tính tới ngày 1/12/2022, chi phí này chỉ còn 2.284,1 USD/40ft, tức giảm gần 78% so với đỉnh và vẫn đang tiếp tục trong xu hướng giảm.

Thực tế giai đoạn đầu năm 2022, giá cước vận tải vẫn duy trì mức giá cao và chỉ tới giai đoạn từ tháng 8/2022 mới bắt đầu rơi thẳng đứng.

Nguyên nhân là do áp lực lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn dẫn tới nhu cầu hàng hoá và vận chuyển suy giảm trên toàn cầu, nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày… thiếu đơn hàng nên dẫn tới nhu cầu vận chuyển giảm mạnh.

Đồng thời, việc giá cước tăng đột biến từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 đã tạo ra cơ hội kinh doanh thuận lợi cho ngành và thúc đẩy nhiều hãng vận tải biển đóng tàu mới, điều này dẫn tới lo ngại nguồn cung sẽ gia tăng. Trong đó, ước tính các đợt giao tàu mới sẽ rơi vào năm 2023 và năm 2024.

Vận tải và Xếp dỡ Hải An là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu hướng giảm của giá cước. Nếu như giá cước không đảo chiều tăng trở lại, công ty nhiều khả năng đã đi qua thời điểm thuận lợi nhất là năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, HAH kết phiên 11/1 ở mức giá 33.200 đồng. Trong năm 2022, cổ phiếu này từng leo lên mức đỉnh 90.000 đồng vào hồi tháng 5. Như vậy từ đó đến nay, HAH đã giảm tới 63% giá trị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.