Hải An (HAH) dự kiến báo lãi năm 2022 hơn 835 tỷ đồng, vượt kế hoạch gần 52%

HAH Hải An
16:53 - 12/12/2022
Hải An lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng lùi trong bối cảnh ngành vận tải biển được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới.
Hải An lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng lùi trong bối cảnh ngành vận tải biển được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông báo ngày 12/12 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An vừa có Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023.

Theo đó, Hải An dự kiến tổng sản lượng công ty trong năm 2022 ở mức hơn 1 triệu TEU, tăng 5,64% so với kế hoạch, trong đó khai thác cảng đóng góp 419 nghìn TEU, khai thác tàu đóng góp 389 nghìn TEU và sản lượng Depot chiếm 193 nghìn TEU còn lại.

Lũy kế cả năm, Hải An ước tính ghi nhận 3.145 tỷ đồng doanh thu và 835 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ, tăng lần lượt 33,2% và 26,9% so với cùng kỳ 2021, tương ứng vượt 31,7% kế hoạch doanh thu và 51,85% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2022.

Bên cạnh đó, HĐQT HAH cũng phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với tổng sản lượng 973 nghìn TEU, tổng doanh thu 2.631 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ là 300 tỷ đồng, giảm lần lượt 2,5%; 16,3% và 64,1% so với thực hiện năm 2022.

Hải An lên kế hoạch kinh doanh 2023 tăng trưởng lùi trong bối cảnh ngành vận tải biển được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới.

Theo báo cáo mới nhất của SSI Research, thị trường thuê tàu container đột ngột suy yếu từ tháng 9, điều này phản ánh nhu cầu yếu trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung tàu tăng trong hai năm tới. Giá thuê tàu của tất cả các kích cỡ tàu đã giảm 60~75% so với mức đỉnh vào tháng 3/2022 và quay trở lại mức ghi nhận vào đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, SSI Research dự đoán nguồn cung trong nước sẽ tăng vào năm 2023. Một số lượng lớn tàu sẽ quay trở lại thị trường nội địa, vì việc gia hạn hợp đồng thuê tàu sẽ khó khăn hơn. Do đó, nguồn cung tăng có thể gây áp lực lên giá cước, ước tính giá cước trung bình sẽ giảm 30% vào năm 2023.

Thị trường quốc tế có khả năng chạm đáy vào năm 2024. Vì phần lớn đơn hàng đóng mới tàu sẽ được giao vào năm 2023 và 2024 (tương ứng là 9,7% và 11,3% công suất năm 2021), giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2024. Kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại khi nhu cầu vận tải tăng lên, dự kiến vào nửa cuối năm 2023 hoặc năm 2024 khi thương mại toàn cầu phục hồi.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAH từng chứng kiến đợt tăng mạnh từ quý I/2021 khi liên tục phá đỉnh. Mạch tăng chững lại vào cuối năm 2021 và quay trở lại mạnh mẽ vào đầu năm 2022. Cổ phiếu này chính thức đạt đỉnh lịch sử 90.000 đồng/CP phiên 3/6/2022. Tuy nhiên, cũng kể từ đây, HAH bắt đầu chuỗi giảm điểm nhanh không kém.

Chốt phiên 12/12, thị giá HAH tăng 3,58% lên mức 34.700 đồng/CP, tăng 44% so với đáy hồi tháng 11, tuy nhiên vẫn giảm hơn 61% so với đỉnh cách đây 6 tháng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.