Tăng trưởng quý I trong khoảng 5,67-6,28%
Nhóm nghiên cứu của VCBS đánh giá nền kinh tế Việt Nam đối diện nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi rất tích cực.
Về tình hình sản xuất, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 1/2022 đạt 53,7 điểm, tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này trên ngưỡng trung lập 50 điểm, cho thấy sự tăng trưởng đơn hàng mới khả quan cũng như sự cải thiện điều kiện sản xuất.
Do hiệu ứng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành chế biến và chế tạo, vốn là ngành công nghiệp chủ lực trong nước vẫn ghi nhận mức tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm.
VCBS kỳ vọng doanh nghiệp sẽ phần nào hưởng lợi từ các gói hỗ trợ kích thích kinh tế của Chính phủ nằm trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội được triển khai ngay từ tháng 2, trong đó có chính sách giảm thuế VAT 2% cho một số hàng hóa dịch vụ nhất định. Từ đó kéo theo sự ảnh hưởng tích cực đến quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tỷ lệ tiêm chủng cao thuộc top đầu thế giới là cơ sở để Việt Nam kiên định với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo tiền đề cho sự phục hồi vững chắc của sản xuất và tiêu dùng (Nguồn: VCBS, Ourworldindata) |
Về xuất nhập khẩu, theo số liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan công bố hôm 10/2, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 sơ bộ đạt 30,84 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD, tăng 11,3%. Như vậy, cán cân thương mại tháng 1 xuất siêu 1,39 tỷ USD, đảo chiều so với con số do Tổng cục Thống kê công bố tính đến hết ngày 20/1 là nhập siêu 0,5 tỷ USD.
Các tháng còn lại trong quý I được nhận định là thời điểm chuẩn bị bước vào cao điểm sản xuất của các doanh nghiệp sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học… Do đó, VCBS kỳ vọng trong những tháng tiếp theo, hoạt động xuất nhập khẩu tại nhóm này dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Về tiêu dùng, cầu tiêu dùng được đánh giá phục hồi yếu trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính đến 20/1 chỉ tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3%.
Tuy nhiên, với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này, dự báo cầu tiêu dùng trong thời gian tới sẽ tiếp tục phục hồi tích cực.
Cùng với đó, nhóm dịch vụ, du lịch được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lạc quan nhờ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
VCBS dự báo tăng trưởng GDP quý I/2022 đạt khoảng 5,67%- 6,28% (Nguồn: VCBS) |
Trên cơ sở nền tảng vĩ mô ổn định, VCBS kỳ vọng nền kinh tế tiếp đà phục hồi với tăng trưởng GDP quý I đạt khoảng 5,67%- 6,28%, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 vẫn giữ nguyên ở mức 6,8%- 7,2%.
Áp lực lạm phát mạnh mẽ hơn
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng nhẹ 0,19% so với tháng 12/2021 và tăng 1,94% so với cùng kỳ năm ngoái.
CPI lõi (lạm phát cơ bản không tính đến giá các mặt hàng dễ biến động như lương thực thực phẩm và năng lượng) tăng 0,26% so với tháng 12/2021 và tăng 0,66% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được đánh giá là mức tăng khá thấp đối với giai đoạn trước và sau tết Nguyên đán hàng năm, phản ánh phần nào mức phục hồi tương đối yếu của nhu cầu tiêu dùng trước thềm Tết Nguyên đán trong năm nay.
Tuy nhiên, mặt bằng giá cả hàng hóa thế giới, đặc biệt là mặt hàng năng lượng, tiếp tục tăng được dự báo có nguy cơ tạo ra áp lực lạm phát tiềm tàng trong nước trong những tháng tiếp theo. Nhóm nghiên cứu VCBS nhận định việc giá dầu thế giới giữ ở mức cao sẽ khiến nhóm hàng hóa giao thông có mức tăng giá đáng kể trong tháng 2 khi kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước trở lại
Ngoài ra, khi hoạt động sản xuất kinh doanh và cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi, áp lực lạm phát được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn.
Từ các yếu tố trên, VCBS dự báo lạm phát tháng 2 có thể tăng 0,6% - 0,7% trên cơ sở tháng, tương ứng tăng 1,02% - 1,12% trên cơ sở năm.
Về tỷ giá, VCBS dự báo VND giảm giá tương đối so với USD, với mức biến động không quá 2% cho cả năm 2022. Nguyên nhân là do xu hướng trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu, trong đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là cơ quan tiên phong, dẫn đến khả năng đồng USD lên giá nhiều so với các ngoại tệ khác, gây áp lực lên VND.
Tỷ giá trung tâm kết thúc tháng 1 giảm 45 đồng, tỷ giá giao dịch tại các NHTM hạ nhiệt giảm khoảng 100-300 đồng so với thời điểm cuối tháng 12 (Nguồn: VCBS) |
Về lãi suất, dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, đặc biệt là lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
Trong thời gian qua, có dấu hiệu lãi suất huy động bật tăng cục bộ tại một số ngân hàng thương mại cổ phần, tuy nhiên vẫn ổn định tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Có dấu hiệu lãi suất huy động bật tăng cục bộ tại một số ngân hàng thương mại cổ phần trong tháng 1 (Nguồn: VCBS) |
Trong khi các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu quá trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục thông điệp nhất quán là sử dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch. Theo chủ trương này, các ngân hàng thương mại vẫn đang đồng hành cùng doanh nghiệp khi tuyên bố các chương trình giảm lãi suất cho vay với mục tiêu hướng dòng vốn vào sản xuất.