VDSC: VN-Index sẽ dao động trong khoảng 940 - 1050 điểm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
06:15 - 07/11/2022
VDSC: VN-Index sẽ dao động trong khoảng 940 - 1050 điểm
0:00 / 0:00
0:00
VDSC dự báo thị trường khó cân bằng trong ngắn hạn tuy nhiên, với việc định giá của VN-Index giảm về mức thấp trong nhiều năm lại là cơ hội để mua, nắm giữ dài hạn.

Báo cáo chiến lược tháng 11 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng, trong tháng 10, vấn đề "thanh khoản tiếp tục bị thu hẹp" là tâm điểm của thị trường, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn những ảnh hưởng của các bê bối sai phạm trong phát hành trái phiếu, và áp lực chính sách tiền tệ thắt chặt từ các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Bên cạnh đó, các lo ngại về rủi ro đối với trái phiếu của các doanh nghiệp khác đã phát hành trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Hệ quả là, áp lực nhà đầu tư đáo hạn trái phiếu trước hạn gia tăng, diễn biến này đã tác động đến các tổ chức tài chính, các tổ chức phát hành trái phiếu và cả thị trường chứng khoán.

Dưới những tác động tiêu cực kể trên, VN Index trong tháng 10 một lần nữa đã tiếp tục ghi nhận một tháng giao dịch sụt giảm mạnh khi thị trường mất 9,2% so với tháng trước, và kết thúc tại 1.027 điểm.

So sánh với các chỉ số trong khu vực, Hang Seng (-15,9%), cùng với VN Index (-9,2%) là hai chỉ số ghi nhận hiệu suất tồi tệ nhất. Trong khi, S&P 500 (+8,0%), KOSPI (+6,4%), Nikkei 225 (+6,4%), và STOXX 600 (6,3%) đã hồi phục mạnh mẽ sau đợt giảm mạnh tháng 9.

Từ bối cảnh đó, VDSC nhìn nhận triển vọng thị trường tháng 11, các chuyên gia của tổ chức này dự báo thị trường khó cân bằng trong ngắn hạn khi những yếu tố rủi ro vẫn chưa được tháo gỡ. Tuy nhiên, việc định giá của VN-Index giảm về mức thấp trong nhiều năm là cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ dài hạn.

Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng tháng 11 VN-Index sẽ dao động trong khoảng 940 - 1050 điểm.

Theo đó, nhóm phân tích đánh giá một số yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong dài hạn. Cụ thể:

Thứ nhất, áp lực tăng lãi suất Fed được kỳ vọng sẽ giảm trong giai đoạn tới

Theo số liệu giao dịch hợp đồng tương lai, tốc độ tăng lãi suất Fed đã có xu hướng hạ nhiệt từ nửa cuối tháng 10 sau đà tăng nhanh nhiều tháng trước đó. Lãi suất chạm mức 5,1% tại ngày 21/10/2022, sau đó có xu hướng đi ngang ở mức 4,8%-4,9% cho đến nay.

Nếu lãi suất Fed tiếp tục được thị trường kỳ vọng giữ ở mức này trong thời gian tới, sẽ khiến giảm áp lực rút ròng đồng USD tại các quốc gia, từ đó sẽ giảm áp lực lên tỷ giá và lãi suất.

Thứ hai, các thông tin về khả năng mở cửa nền kinh tế Trung Quốc

Theo VDSC, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn trong những năm tới, từ đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Thứ ba, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam tích cực

VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý 4 vào khoảng 6,3-6,7%, tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước khoảng 8,1-8,2%. Lạm phát chung cả năm 2022 ước khoảng 3,6-3,8%, thấp hơn so với mục tiêu 4% của Chính phủ.

Mặt khác, chỉ số PMI tháng 10 ghi nhận ở mức 50,6 điểm, giảm 1,9 điểm so với tháng 9, cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự suy yếu trong nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nhà sản xuất Việt Nam khi đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng ở mức thấp nhất trong 13 tháng.

Song, với việc tiếp tục mở rộng sản lượng và việc làm cùng với áp lực giá và nguồn cung giảm có thể giúp ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời điểm cuối năm.

Tuy nhiên, báo cáo của VDSC cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, một số rủi ro có thể tác động đến thị trường trong ngắn hạn.

Đơn cử như các vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thanh khoản thị trường. VDSC cho rằng dù giá trị TPDN được mua lại có xu hướng tăng từ tháng 6/2022 trở lại đây, song áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2023 vẫn còn khá lớn.

Tổng giá trị đáo hạn năm 2023 ước tính ở mức 350 nghìn tỷ, tương đương gần bằng 1/4 dư nợ tăng thêm của hệ thống ngân hàng năm 2022.

Mặc dù, trong số trái phiếu đáo hạn có khoảng 30% giá trị từ nhóm ngành ngân hàng khả năng cao vẫn có thể tái phát hành, song tỷ lệ hấp thụ sẽ bị hạn chế trong bối cảnh lãi suất cao và thanh khoản yếu đang diễn ra trong hệ thống.

Đặc biệt, dù NHNN và các ban ngành liên quan đã có những động thái hỗ trợ thị trường về mặt thanh khoản và tâm lý, song điều này vẫn chưa đủ lớn để khơi thông dòng vốn trên thị trường.

Bên cạnh đó, một yếu tố tiêu cực được các chuyên gia VDSC chỉ ra là dự báo tăng trưởng các doanh nghiệp theo dõi có thể sẽ kém khả quan hơn trong quý 4/2022. Điều này sẽ khiến chưa tạo nhiều động lực cho thị trường trong ngắn hạn. Theo đó, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý 4 của các doanh nghiệp VDSC theo dõi dự báo sẽ có xu hướng giảm tốc so với mức tăng trưởng quý 3/2022.

Cụ thể, VDSC dự báo các nhóm ngành dầu khí, ngân hàng, y tế, công nghệ và khu công nghiệp sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 4/2022 so với cùng kỳ 2021. Ở chiều ngược lại, các ngành tài chính, vật liệu cơ bản, logistics dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.

Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia VSDC nhấn mạnh quan điểm trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chịu nhiều thử thách bởi quá trình vận động phát triển của thị trường vốn, cụ thể là thị trường trái phiếu với những quy định chặt chẽ hơn khiến thị trường xáo động trong ngắn hạn nhưng sẽ tốt trong dài hạn.

"Với mức giảm hơn 30% từ đỉnh 1500 điểm, định giá của VN-Index đã đi về mức thấp trong nhiều năm, do vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt/ tỷ trọng tiền mặt cao vẫn có thể phân bổ một phần danh mục để tích lũy những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt", VDSC khuyến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp