'Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng trong lĩnh vực tín dụng xanh'

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:36 - 04/10/2023
Toàn cảnh Toạ đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam”.
Toàn cảnh Toạ đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam”.
Bên cạnh những nỗ lực đã đạt được về phát triển xanh, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng.

Tổng dư nợ cho tín dụng xanh đạt 527.947 tỷ đồng sau nửa năm 2023

Chia sẻ tại Tọa đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam” ngày 4/10 do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, hiện nay, xanh hoá nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.

Trong đó, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Tính đến ngày 30/6/2023, đã có 43 tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 527.947 tỷ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 5,48% so với cuối năm 2022, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 45% tổng dư nợ tín dụng xanh), nông nghiệp xanh (chiếm hơn 31% tổng dư nợ tín dụng xanh).

Giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 22,98%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

“Có thể nói, hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh phát triển”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Vẫn có những ngân hàng chậm chân trong phát triển tín dụng xanh

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ rõ, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng.

Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế.

Đặc biệt, dù có một số ngân hàng rất chủ động, tiên phong nhưng số khác vẫn còn chậm chân. Có ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh.

"Trên cơ sở một danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều con số tín dụng xanh hiện tại", ông Quý khẳng định.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay trong khi đó lại thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy ngân hàng phát triển xanh

Là một trong những ngân hàng sớm triển khai quản lý phát triển bền vững và thay đổi khí hậu đối với khách hàng, tại toạ đàm, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam đã có những chia sẻ kinh nghiệm của ngân hàng.

Trong đó, ngân hàng luôn đặt mục tiêu đo lường và quản lý các rủi ro tài chính và phi tài chính do biến đổi khí hậu đồng thời giảm lượng khí thải từ chính các hoạt động của ngân hàng và những hoạt động liên quan đến việc tài trợ các khách hàng phù hợp với Hiệp Ước Paris.

Đối với tài chính bền vững, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tiếp tục tập trung tài trợ tài chính bền vững và chuyển đổi nhằm hỗ trợ mục tiêu đẩy nhanh quá trình giảm phát thải ròng bằng 0.

"Ngân hàng cung cấp khả năng tiếp cận tài chính, mạng lưới hoạt động và đào tạo thế hệ trẻ nhằm hỗ trợ mục tiêu mở rộng sự tham gia của các cộng đồng trên toàn lãnh thổ mà Standard Chartered đang hoạt động", đại diện Standard Chartered cho biết.

Trước những chia sẻ của ngân hàng, ông Trần Anh Quý cũng đưa ra một số trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường).

Thứ hai, theo dõi, hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức tín dụng xây dựng quy định nội bộ.

Thứ ba, tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức tín dụng trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả.

Và cuối cùng là đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.