'Việt Nam lạm phát chi phí đẩy nên giải pháp kiềm chế hiệu quả nhất là giảm thuế'

LẠM PHÁT Việt nAM
13:06 - 14/07/2022
TS Lê Xuân Nghĩa.
TS Lê Xuân Nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, lạm phát toàn cầu đang rất cao nhưng may mắn Việt Nam chủ yếu là lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu để xuất khẩu. Để chống lạm phát chi phí đẩy này thì tăng lãi suất không phải là biện pháp mà phải là giảm thuế, phí.

Đây là ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu tại Tọa đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 14/7.

Theo vị chuyên gia, nền kinh tế vĩ mô thế giới đang trong tình trạng bất ổn. Ban đầu, các nước chủ quan cho rằng hàng chục nghìn tỷ USD tung ra để “đỡ” nền kinh tế trong dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng gì lớn. Tại Mỹ - một trong những quốc gia bơm tiền mạnh nhất trong 2 năm Covid-19, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng nhận định lạm phát chỉ là tạm thời. Nhưng hiện tại, hậu quả nhãn tiền đã thấy rõ. Số liệu vừa công bố cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất trong 40 năm qua.

Bên cạnh đó là cuộc xung đột Nga – Ukraine, điều mà không ai ngờ đến. Theo nhận định của TS Nghĩa, chiến tranh có thể kéo dài và để lại hậu quả khó lường. Kết hợp với lạm phát, đây chính là hai vấn đề lớn nhất, kéo sau là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng. Thực tế không chỉ Mỹ, lạm phát ở nhiều quốc gia đều đang ở mức rất cao.

Ông Nghĩa cho rằng, lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu, và đi dần vào giá tiêu dùng. “May mắn chúng ta chủ yếu là nhập khẩu để xuất khẩu nên chỉ có lạm phát chi phí đẩy chứ không gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và châu Âu. Tỷ giá hối đoái của Việt Nam tương đối ổn định nên không kích hoạt lạm phát từ bên ngoài vào”, TS Nghĩa cho biết.

Lạm phát là sự gia tăng chung về mức giá trong nền kinh tế, trong đó kéo cầu và đẩy chi phí là hai nguyên nhân chính. Trong khi cầu kéo lạm phát xảy ra khi cầu trong nền kinh tế tăng vượt xa nguồn cung, thì lạm phát đẩy chi phí diễn ra khi chi phí sản xuất tăng theo giá tăng của nguyên liệu thô, lao động và các đầu vào khác.

Để chống lạm phát chi phí đẩy, vị chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước không thể làm được. Việc nới lỏng và thắt chặt đều ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, vì vậy chính sách tiền tệ khó có động thái mạnh mẽ vào lúc này. “Việc duy nhất để hạn chế là giảm thuế. Như xăng dầu của chúng ta đang đánh thuế 40%. Giá xăng dầu leo cao đi vào tất cả các loại hàng hoá”, ông Nghĩa đưa ý kiến.

Nhận định về khả năng suy thoái kinh tế sau khi khi mức lạm phát của Mỹ lên mức đỉnh lịch sử 40 năm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng có hai khả năng có thể xảy ra. Một là kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ rồi phục hồi và hai là suy thoái kèm chiến tranh tiền tệ dẫn đến khủng hoảng rồi lan ra các quốc gia khác như năm 2008. “Nhưng nhóm nghiên cứu chúng tôi thiên về khả năng 1. Nếu cuộc chiến Nga – Ukraine kết thúc sớm hoặc bớt đi tham vọng kinh tế dài hạn thì 2023 kinh tế toàn cầu đi xuống nhưng 2024 có thể đi lên”, ông Nghĩa chia sẻ.

Đối với Việt Nam, theo ông Nghĩa, dường như chúng ta tránh được “cơn bão”, trở thành một trong những điểm sáng nhất về ổn định vĩ mô trong khu vực Đông Nam Á. Các chỉ số kinh tế trong 6 tháng đầu năm đều rất khả quan. Vì vậy đối với thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, vị chuyên gia cho rằng vẫn có nhiều dư địa để phát triển, chỉ cần gỡ các nút thắt hiện nay, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.

Vì sao lạm phát của Việt Nam không tăng cao?

6 tháng đầu năm 2022, chỉ số CPI của Việt Nam tăng bình quân 2,44% so với cùng kỳ năm trước, đây là kết quả rất đáng khích lệ trong việc kiểm soát khi nhiều nước trên thế giới đã tăng lên mức đỉnh lịch sử. Lý giải về việc giá xăng dầu và chi phí đầu vào sản xuất tăng mạnh nhưng chỉ số CPI của Việt Nam không tăng cao như các nước khác, Tổng cục Thống kê cho biết có nhiều nguyên nhân.

Một là danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tính CPI của các quốc gia khác nhau do phụ thuộc vào tập quán tiêu dùng, đồng thời cơ cấu chi tiêu dùng của hộ gia đình cũng không đồng nhất. Mỹ và châu Âu chi tiêu dùng cho các nhóm nhà ở, điện, nước, khí đốt, giao thông, văn hóa, giải trí chiếm tỷ trọng lớn trong khi Việt Nam chủ yếu chi tiêu dùng cho lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng 27,68%).

Việt Nam có nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân còn xuất khẩu ra thế giới nên giá cả khá ổn định. Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về các giải pháp bình ổn giá, như: Ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1 đến hết 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022…

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6, quý II và 6 tháng các năm giai đoạn 2018-2022 (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6, quý II và 6 tháng các năm giai đoạn 2018-2022 (%).
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022” mới đây, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Trưởng Phòng Chính sách (Cục Quản lý giá) cho biết, CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Mặc dù vẫn ở mức kiểm soát nhưng theo ông Định, tình hình 6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức. Đó là xung đột Nga - Ukraine vẫn hiện hữu; chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc và việc gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu sẽ khiến mặt bằng giá cả khó giảm. Bên cạnh đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo ông Định, hiện sức mua bắt đầu giảm, trong khi đầu vào chi phí tăng cao, doanh nghiệp không thể tăng giá bán. Khó nữa là doanh nghiệp không thể, không dám ký hợp đồng dài hạn, hợp đồng giá trị lớn vì không tính toán được chi phí đầu vào biến động theo hướng ngày càng tăng cao. Đây là thách thức lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên điểm tích cực là các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế đã góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Trong đó, các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định; giá nhiều mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.