Việt Nam nhập siêu từ Kuwait tới 4,1 tỷ USD

Thương Mại Kuwait
07:43 - 06/10/2022
Việt Nam nhập siêu từ Kuwait tới 4,1 tỷ USD
0:00 / 0:00
0:00
8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Kuwait chỉ đạt gần 40 triệu USD, trong khi nhập khẩu ở mức 4,2 tỷ USD và riêng mặt hàng dầu thô đã lên tới 4 tỷ USD.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa sang Kuwait đạt 39,1 triệu USD, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là thủy sản, đồ gỗ, gia vị, rau quả, điện thoại di động, phương tiện vận tải và phụ tùng… Mặt hàng thủy sản hiện đã “soán ngôi” điện thoại và linh kiện để trở thành mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đến là phương tiện vận tải và phụ tùng, nông sản các loại, gỗ và sản phẩm gỗ.

Nhìn chung xuất khẩu các mặt hàng chính đều ghi nhận đà giảm. Trong đó, sản phẩm từ sắt thép có mức giảm nhiều nhất khi -70%, đứng thứ 2 là hàng rau quả -62%; tiếp đến là gỗ và sản phẩm gỗ -60%, điện thoại và linh kiện -16%... Sự sụt giảm này có tác động lớn từ nhu cầu thị trường của Kuwait. Trải qua thời kỳ dịch bệnh, thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu đối với những mặt hàng không thiết yếu như điện thoại, sản phẩm từ sắt thép… có xu hướng giảm.

Những khó khăn về logistic, thiếu hụt container lạnh, cước vận tải tăng cao cũng gây khó khăn cho hàng nông sản Việt vào thị trường Trung Đông này. Dù vậy, một số sản phẩm chính khác vẫn ghi nhận đà tăng trưởng tốt như chè, hạt điều, hạt tiêu đều ghi nhận tăng.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Kuwait tới 4,2 tỷ USD trị giá hàng hóa, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021. Sự chênh lệch này chủ yếu do Việt Nam nhập khẩu hơn 4 tỷ USD dầu thô từ Kuwait.

Hiện Kuwait là một trong hai thị trường cung cấp dầu thô lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm 81% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Lượng dầu thô nhập khẩu từ Kuwait nhằm phục vụ cho hoạt động lọc hóa dầu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại.

Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu lượng lớn dầu thô trong khi Việt Nam xuất khẩu dầu thô (đạt 1,4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022) do mỗi mỏ sẽ khai thác một loại dầu thô khác nhau về tính chất vật lý, thành phần hóa học.

Trong khi nhà máy Lọc dầu Dung Quất được thiết kế để lọc dầu từ mỏ Bạch Hổ (Việt Nam) với hàm lượng lưu huỳnh chiếm 0,03% trọng lượng, thì nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được thiết kế cho hỗn hợp dầu hàm lượng lưu huỳnh 2,52%, vốn là loại dầu được khai thác tại Kuwait.

Cạnh tranh từ các đối thủ mạnh

Theo Thương vụ Việt Nam tại Kuwait, những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam chiếm tỷ trọng chưa cao tại Kuwait, còn dư địa để thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia đối thủ như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…

Hiện Trung Quốc đã trở thành nguồn cung hàng hóa lớn nhất cho Kuwait trong nhiều năm nay, bao gồm các mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp… Trong khi đó, thị trường Ấn Độ lại có nhiều mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, các hệ thống bán lẻ (hệ thống siêu thị) của người Ấn tại Kuwait cũng không ngừng tăng mạnh.

Trước tình hình trên, Thương vụ Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để có thể hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn chiếm hơn 90% doanh nghiệp tại Việt Nam) có cơ hội quảng bá sản phẩm tại Kuwait cũng như các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Các nhà xuất khẩu cũng cần nắm rõ thông tin phân tích, dự báo tình hình xuất nhập khẩu tại Kuwait. Đặc biệt, cần quan tâm đến các quy định về Halal (những sản phẩm đảm bảo được các yêu cầu theo Luật Hồi Giáo) bởi đây là quốc gia theo tôn giáo hoàn toàn.

Thương nhân tại Kuwait nói riêng và GCC nói chung có xu hướng thích trải nghiệm trực tiếp hàng hóa. Do đó việc chào hàng mẫu trực tiếp hoặc quảng bá thông qua các hội chợ triển lãm là một cách thức rất hiệu quả tại Kuwait.

Mới đây, phía Thương vụ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait giới thiệu trái vải thiều và dừa tươi Hamona lần đầu tiên tại thị trường này. Thông qua việc giới thiệu lần này, khách hàng trực tiếp được thưởng thức. Sau khi giới thiệu, đã có đơn vị nhập khẩu và phân phối tại các siêu thị của Kuwait hai sản phẩm này.

Lưu ý đối với doanh nghiệp

Khi xuất khẩu sang thị trường này, Thương vụ Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp cần tạo niềm tin đối với khách hàng bởi đối tác Kuwait nói riêng và GCC nói chung “ưa thanh toán dựa nhiều vào sự tin cậy”. Doanh nghiệp cũng cần tích cực, chủ động đi khảo sát thị trường, tham gia vào các hội chợ triển lãm tại các nước trong khu vực để trực tiếp gặp gỡ đối tác, bạn hàng.

Về vấn đề thuế, Kuwait hiện đánh thuế nhập khẩu hàng hóa tương đối thấp, chỉ từ 0 – 5%, riêng các mặt hàng về lương thực như gạo, lúa mì… không phải chịu thuế suất. Với sản phẩm thuốc lá, mặt hàng này phải chịu mức thuế là 100% do thị trường này chú trọng đến vấn đề sức khỏe.

Ngoài ra thị trường này còn không áp dụng biện pháp tự vệ, thuế chống bán phá giá. Hiện Kuwait đang áp dụng hầu hết các Tiêu chuẩn chung của Bộ Công Thương Việt Nam. Tuy nhiên, một số sản phẩm xuất khẩu vào Kuwait cũng sẽ bị cấm như đồ uống có cồn, thịt lợn, gia vị có mùi hôi như nước mắm…

Tin liên quan

Đọc tiếp