Việt Nam sản xuất bao nhiêu đôi giày cho thế giới mỗi năm?

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
11:17 - 12/11/2021
Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 thế giới.
Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Giày dép là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, với mức tăng bình quân 2 con số mỗi năm.

Theo số liệu từ World Footwear Yearbook, sản xuất giày dép trên toàn thế giới đã đạt mức kỷ lục sản xuất mới với 24,3 tỷ đôi vào năm 2019, tốc độ tăng mỗi năm trung bình là 2,2%.

Ngành công nghiệp giày dép tập trung chủ yếu ở châu Á. Cứ 10 đôi giày thế giới làm ra thì có tới 9 đôi được sản xuất tại đây - chiếm 87% tổng sản lượng giày dép thế giới.

Tiếp theo là Nam Mỹ chiếm 4,6%, châu Âu chiếm 3,2%, châu Phi chiếm 3,1%, Bắc Mỹ chiếm 1,5%. Trung Quốc là nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới (chiếm 54,3% tổng sản lượng).

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh giày dép thế giới, sản xuất giảm 15,8% (tương đương giảm gần 4 tỷ đôi) so với năm 2019, đạt 20,5 tỷ đôi.

Trong đó, sản xuất giày dép của Trung Quốc đã giảm hơn 2 tỷ đôi so với năm 2019, và tiếp tục giảm thị phần trên thế giới (giảm 1 điểm phần trăm). Điều này phản ánh sự chuyển dịch sản xuất sang các nước châu Á khác.

Về nhu cầu, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến tiêu dùng giày dép ở các nền kinh tế phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu, làm giảm sức tiêu thụ giày dép theo bình quân đầu người ở Bắc Mỹ và châu Phi từ 4 đôi trong năm 2019 xuống còn 2,8 đôi vào năm 2020.

Mức tiêu thụ giày dép trên đầu người cũng giảm mạnh ở châu Âu và châu Đại Dương, nhưng giảm ít hơn nhiều ở châu Á và Nam Mỹ.

Năm 2020, châu Á chiếm 55,8% tổng mức tiêu thụ giày dép trên toàn thế giới, tiếp theo là châu Âu và Bắc Mỹ với mức tiêu thụ lần lượt là 13,6% và 13,1% trong tổng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới.

Trong đó, Việt nam xuất khẩu đạt 1,23 tỷ đôi, giảm 19% so với năm trước và chiếm 10,2 % tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%), tăng 4,4 lần so với năm 2011 (chiếm 2,3%, với 316 triệu đôi giày được xuất khẩu).

Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), kế tiếp gồm Indonesia, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2020, bất chấp xu hướng tiêu cực của tiêu dùng do đại dịch COVID-19, giá xuất khẩu trung bình của giày dép thế giới vẫn tăng 6%, lần đầu tiên vượt trên 10 USD/đôi.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2019 tăng 12,1%/năm. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 9,1% so với năm 2019.

Mỹ đang là thị trường lớn nhất

Giày dép là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước), với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,2%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 8,3% so với năm 2019, đạt 16,79 tỷ USD.

Bước vào năm 2021, tín hiệu xuất khẩu giày dép hồi phục tốt vào những tháng đầu năm. Tuy nhiên,đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy nhiều doanh nghiệp da giày vào tình thế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất, trong khi nhiều chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo...

Từ cuối tháng 9/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh có cải thiện, nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong quý III/2021 đạt 2,925 tỷ USD, giảm 47,7% so với quý II/2021; giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu xét về số tuyệt đối thì trong số các ngành hàng xuất khẩu, giày dép là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất so với quý II/2021, khi giảm 2,67 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2020 thì đứng thứ 2 (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm), khi giảm 1,08 tỷ USD.

Tuy nhiên, do các tháng đầu năm xuất khẩu giày dép vẫn tăng cao nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,31 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020 – thấp hơn mức tăng 12,8% của 9 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19).

Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…

Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Trước năm 2020, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt về kim ngạch ở mức 2 con số, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2015 – 2019, đạt 13%/năm. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Với việc Mỹ dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với thị trường EU, EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 được coi là động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành giày dép trong thời gian qua. Giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu.

Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường EU dần hồi phục trở lại. Giày dép Việt Nam hiện đang có lợi thế so với các quốc gia cạnh tranh như: Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và Campuchia.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.