Thương mại trực tuyến, tận dụng công nghệ số để nối lại những đứt gãy trong chuỗi cung ứng

KInh tế số Việt nAM
16:20 - 11/11/2021
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại là hoạt động chiến lược.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại là hoạt động chiến lược.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 11/11, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu, kết hợp giao thương trực tuyến trên nền tảng số.

Hội nghị nằm trong kế hoạch Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2021 do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM), Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba.com, Công ty TNHH phần mềm quản lý khách hàng Việt Nam (Online CRM) tổ chức.

Tiềm năng của Việt Nam trong thương mại điện tử

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại là hoạt động chiến lược. Từ đầu năm 2020 đến nay, Cục xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đơn vị cung ứng giải pháp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế, từng bước đưa các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng trong sản xuất và kinh doanh.

Một số nền tảng chính của hệ sinh thái thương mại số có thể kể đến là nền tảng hội chợ triển lãm trên môi trường số, nền tảng khuyến mại số và các ứng dụng số khác phục vụ xúc tiến thương mại như chắp nối kinh doanh trực tuyến, tư vấn đào tạo, truy xuất xúc tiến thương mại…

Đánh giá tiềm năng của Việt Nam trong thương mại điện tử, ông Stephen Kuo, Giám đốc Alibaba.com khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trung tâm và thành viên của rất nhiều Hiệp định song phương và đa phương, ngoài ra đây cũng là một quốc gia trẻ có lợi thế về giá nhân công, chính sách xuất khẩu.

Ảnh tác giả

“Trong 3 – 5 năm nữa, khi bình thường mới được lập lại, thương mại trực tuyến là hình thức tất yếu cho thương mại toàn cầu. Tôi tin là Việt Nam sẽ giữ vai trò là công xưởng mới của thế giới trong thời gian tới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nắm bắt thời cơ này để có thể vươn ra được các thị trường quốc tế, qua đó tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”

Ông Stephen Kuo, Công ty Alibaba

Giám đốc Alibaba khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng thông tin rằng, Việt Nam hiện có hơn 2000 nhà cung cấp với hơn 60.000 sản phẩm tham gia cùng Alibaba vào phân phối toàn cầu, tập trung nhiều vào các sản phẩm đồ uống và thực phẩm. Trong tương lai, con số này sẽ còn tăng hơn nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong chuyên ngành chế biến lương thực thực phẩm bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, trong thời kỳ COVID-19, doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt với những thách thức rất rõ ràng.

Bà Lý Kim Chi phát biểu tại Hội nghị

Bà Lý Kim Chi phát biểu tại Hội nghị

Trước tác động của suy thoái toàn cầu, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đã phải điều chỉnh các mô hình sản xuất và chấp nhận sự tác động. Bên cạnh việc chịu chung những thách thức của ngành lương thực toàn thế giới như biến đổi khí hậu đe dọa sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối diện những khó khăn nội tại như công nghệ máy móc còn chưa hiện đại đồng bộ, những thách thức cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do hay việc các sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu sang Châu Âu còn nhiều loại chưa đạt tiêu chuẩn.

Ảnh tác giả

“Khảo sát nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau dịch, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tập trung vào những thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm dinh dưỡng. Đặc biệt là sự chuyển đổi nhu cầu mua sắm trên trực tuyến rất cao đạt đến xấp xỉ 91%. Đây là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung vào kênh bán hàng số, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiếp cận nhu cầu quốc tế”.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM

Bà Kim Chi cũng cho rằng, Việt Nam đang thiếu hệ sinh thái logistic trong hệ thống sàn thương mại điện tử. Bà cho biết Hội đã đưa ra đề xuất với TP.HCM phát triển các mạng lưới có thể đồng bộ thương mại điện tử cho các nhà phân phối lẻ.

“Trong tương lai ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách hay vốn thì việc phát triển thương mại điện tử cũng là điều rất cần thiết”, bà Lý Kim Chi nói.

Các dự án trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Thông tin tại Hội nghị về những dự án thương mại điện tử đã, đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới, Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có những giới thiệu khái quát về các dự án này.

Trước tiên, phải kể đến Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Đây là một nền tảng được tích hợp nhiều phần: giao thương, hội chợ triển lãm, khuyến mại, kiểm định, đào tạo trực tuyến, logistic, truy xuất/tiêu chuẩn, hỗ trợ chăm sóc khách hàng đa kênh, đa khu vực. Bà Thúy cho biết, dự án này đã kết thúc quá trình thí điểm và chính thức đưa vào vận hành.

Nền tảng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Nền tảng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Thứ hai, về Bản đồ xúc tiến thương mại nông sản, ông Kha Trần đại diện nhóm nghiên cứu các dự án thương mại số của Cục Xúc tiến thương mại đã chỉ ra mục đích của dự án là giúp Việt Nam giải quyết bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh COVID-19.

Người mua thay vì phải đến tận vùng nuôi trồng có thể tìm kiếm trên bản đồ này. Đồng thời dự báo thị trường nông sản sắp tới để bà con có kế hoạch nuôi trồng phù hợp. Có thể dễ dàng tìm được một nông sản nào đó theo vị trí địa lý và xác định số lượng cũng như giá cả sản phẩm.

“Những năm tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển chất lượng bản đồ và xây dựng niềm tin cho người mua – người bán thông qua giao dịch trên bản đồ. Người tiêu dùng sẽ có thể nắm được những thông tin chính xác, trung thực nhất về nhật ký mùa vụ của sản phẩm," ông Kha Trần nói.

Công cụ Itrace247 hỗ trợ Bản đồ xúc tiến thương mại nông sản

Công cụ Itrace247 hỗ trợ Bản đồ xúc tiến thương mại nông sản

Kết hợp với Bản đồ xúc tiến thương mại nông sản là công cụ Itrace247 sẽ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Công cụ Itrace247 đã được áp dụng trong xuất khẩu hiện này với một số sản phẩm: Mận Yên Châu (Sơn La), vải Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn (Hưng Yên)…. xuất khẩu sang các thị trường Pháp, Séc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Singapore…

Thứ ba, có nhiều công cụ hay sàn thương mại nhưng bà con nông dân còn lúng túng khi kết nối bởi gặp khó khăn về thủ tục. Biện pháp mà Cục Xúc tiến thương mại đưa ra là Chứng minh thư điện tử cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, liên minh thương mại…

Các mã QR trên Chứng minh thư điện tử khi đã xác thực thông tin sẽ được đẩy trực tiếp lên các sàn thương mại điện tử mà không phải đến tận nơi làm thủ tục. Hiện nay người mua rất quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm do đó Chứng minh thư điện tử cũng sẽ giúp người mua dễ dàng kết nối với người bán hơn.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết sẽ hỗ trợ đăng ký miễn phí những dự án này cho các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc và sẽ sớm có công văn gửi về các địa phương để hướng dẫn cụ thể trong quý IV/2021.

Ngoài ra, Cục xúc tiến thương mại cũng thông tin về Dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ mới được ký ngày 22/10/2021.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao thành tích xuất khẩu và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam một cách bền vững và toàn diện thông qua cải thiện các điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, tăng cường cơ chế đối thoại công – tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu. Dự án có 24 tiểu dự án nhỏ sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.