Việt Nam tiềm năng trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của châu Á

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
18:12 - 10/11/2021
Việt Nam tiềm năng trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của châu Á
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch GWEC Đông Nam Á Mark Hutchinson nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực ở mảng năng lượng điện gió ngoài khơi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thế giới COP-26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Nhận định về cam kết này tại Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Năng lượng thông minh” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên và Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021, TS. Phạm Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng đây là thách thức lớn cho cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là điện gió.

Tính đến năm 2020, Việt Nam có 16 nhà máy điện gió với tổng công suất ước tính 630 MW, tổng số tuabin gió ước tính 249 (với công suất dao động từ 1,6-4MW). Hồi tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là dự thảo Quy hoạch điện VIII), trong đó đặt ra yêu cầu “ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới”, mục tiêu tăng công suất điện gió ước tính từ 630 MW năm 2020 lên 15,2-19,1 GW đến năm 2030, 55,4-76 GW vào năm 2045.

Thực tế, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong lĩnh vực điện gió, theo nhận định của ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) khu vực Đông Nam Á. Theo ông, Việt Nam có khả năng tạo ra một ngành công nghiệp điện gió đem lại hàng trăm ngàn việc làm mới cho nền kinh tế nếu học hỏi kinh nghiệm, đi theo định hướng của các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines..

Việt Nam tận dụng lợi thế để trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi ở Châu Á

Năng lượng gió ngoài khơi hiện là nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (VRE) có hệ số công suất cao nhất so với bất kỳ VRE nào (~ 50%), ngang bằng với các nhà máy điện chạy bằng khí hiệu quả nhất.

Trên toàn cầu theo GWEC, trong vòng 5 năm qua, thị trường điện gió ngoài khơi đã tăng trưởng bứt phá 106%. Tính đến năm 2020, thế giới có 71,3 GW công suất điện gió mới, bao gồm 64,8 GW điện gió trên bờ và 6,5 GW điện gió ngoài khơi.

Riêng điện gió ngoài khơi toàn cầu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 35.196 MW, chiếm 5% hệ thống điện gió toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gần 30% cho đến năm 2025 và 12,7% vào cuối thập kỷ này, kỳ vọng đến năm 2030, tổng công suất gió ngoài khơi toàn cầu có thể đạt 270 GW.

Trong trường hợp của Việt Nam, ông Hutchinson nhận định: “Việt Nam phải xử lý nhu cầu năng lượng tăng trưởng đáng kể do đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Trong khi đó, nguồn năng lượng gió ngoài khơi là tài nguyên bản địa dồi dào, sạch, có khả năng tạo ra nguồn năng lượng rẻ và góp phần quan trọng vào cơ cấu năng lượng quốc gia trong tương lai”.

Việt Nam có tiềm năng dồi dào trong phát triển điện gió ngoài khơi

Việt Nam có tiềm năng dồi dào trong phát triển điện gió ngoài khơi

Tỷ trọng năng lượng điện gió trong tổng nguồn cung năng lượng của Việt Nam còn thấp

Tỷ trọng năng lượng điện gió trong tổng nguồn cung năng lượng của Việt Nam còn thấp

Theo ông Hutchinson, việc phát triển điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng không chỉ giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng mà còn thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại nhờ giảm nhập khẩu than và khí đốt. Thêm vào đó, điện gió ngoài khơi cũng được dự báo sẽ góp phần quan trọng giúp giảm thiểu các nhà máy điện than cũng như hỗ trợ Việt Nam tiến đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Một lợi ích lớn khác từ việc phát triển điện gió ngoài khơi là tạo ra lượng công ăn việc làm lớn cho nền kinh tế đất nước. Một nghiên cứu của World Bank cho thấy ngay cả trong kịch bản tăng trưởng thấp, đến năm 2030, ngành công nghiệp năng lượng điện gió sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm toàn thời gian hàng năm.

Đến năm 2035, dự kiến sẽ có khoảng 190.000 việc làm được tạo ra trong ngành. Đáng chú ý, khoảng 40% việc làm được tạo ra trong hoạt động xuất khẩu các bộ phận như cột gió ngoài khơi, trang thiết bị liên quan do công nhân Việt Nam sản xuất từ Việt Nam sang các quốc gia khác trong khu vực.

Đến năm 2035, trong kịch bản tăng trưởng thấp, dự kiến sẽ có tổng cộng 190.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành điện gió ngoài khơi

Đến năm 2035, trong kịch bản tăng trưởng thấp, dự kiến sẽ có tổng cộng 190.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành điện gió ngoài khơi

Với tiềm năng trên, Chủ tịch GWEC Đông Nam Á Mark Hutchinson nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành quốc gia đi đầu khu vực ở mảng năng lượng điện gió ngoài khơi: “Cần nắm bắt cơ hội để đạt được lợi thế của người đi trước. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng cường lợi thế cạnh tranh để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường khu vực trong dài hạn cũng như đi trước các nước láng giềng trong phát triển chuỗi cung ứng".

"Để làm được như vậy, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng hệ thống chính sách, khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, minh bạch, mang tính dễ dự báo thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực cũng như có cơ chế khuyến khích sự phát triển của ngành”, ông phân tích thêm.

Phát triển phải song song với xây dựng giải pháp cuối vòng đời cho điện gió

Cũng tại Hội thảo “Năng lượng thông minh”, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cảnh báo, cần có giải pháp xử lý an toàn với hàng nghìn tấn chất thải khổng lồ từ điện gió sẽ được thải ra trong 10 năm tới.

Dự báo đến năm 2030, sẽ có khoảng 92.000 tấn chất thải từ điện gió (bao gồm khoảng 4.800 tấn chất thải từ tuabin điện gió) sẽ bị thải ra môi trường. Con số này năm 2050 sẽ tăng lên hơn 6,5 triệu tấn (bao gồm 434.000 tấn chất thải từ tuabin điện gió).

Dự báo lượng chất thải được tạo ra từ điện gió tại Việt Nam

Dự báo lượng chất thải được tạo ra từ điện gió tại Việt Nam

Tuy nhiên, cho đến nay, công nghệ tái chế và xử lý chất thải điện gió vẫn còn ở giai đoạn sơ khai trên toàn thế giới. Do đó, cần thiết phải hỗ trợ công tác nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự hợp tác với ngành sản xuất điện gió trong việc cung cấp dữ liệu về thành phần và đặc tính vật liệu, đặc biệt liên quan đến độc tính và rửa trôi các chất độc hại có thể hỗ trợ phát triển các công nghệ liên quan đến xử lý chất thải cuối vòng đời.

Ngoài ra, ở cuối vòng đời, tuabin gió có chứa các vật liệu có giá trị (thủy tinh, thép, nhôm, đồng, kim loại hiếm, v.v.) mà việc tái chế và tái sử dụng cho phép tiết kiệm đáng kể nguồn tài nguyên. Do đó, bên cạnh việc xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng và cụ thể về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, cần xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể cho việc thu gom và phân loại chất thải từ điện gió, tạo điều kiện xử lý đồng bộ, hiện đại, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Ông Đào Xuân Lai đề xuất xây dựng lộ trình quản lý chất thải cuối vòng đời điện gió với nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Một là xây dựng kế hoạch quốc gia về quản lý chất thải công nghiệp, phân biệt các loại khác nhau của dòng chất thải công nghiệp (chất thải nguy hại, không nguy hại và chất thải điện tử).

Hai là thiết lập các cơ sở xử lý và tiêu hủy phù hợp với chất thải công nghiệp có nguồn gốc từ lĩnh vực năng lượng.

Ba là xác định công suất của các cơ sở xử lý dựa trên các nghiên cứu khả thi.

Bốn là hoàn thiện các yêu cầu pháp lý đối với các cơ sở đốt rác, bao gồm việc giám sát liên tục lượng khí thải và nhiệt độ đốt.

Năm là xây dựng công cụ cơ sở dữ liệu để cập nhật các thông tin về các cơ sở xử lý chất thải công nghiệp hiện có và tương lai ở Việt Nam.

Cuối cùng, cần hạn chế các biện pháp chôn lấp và xây dựng kế hoạch quản lý sản phẩm để thúc đẩy các hoạt động thu gom và tái chế hệ thống điện gió.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.