Việt Nam và Ấn Độ tìm kiếm hướng phát triển chung trong ngành thủy sản

THỦY SẢN ẤN ĐỘ
18:10 - 11/05/2022
Việt Nam và Ấn Độ tìm kiếm hướng phát triển chung trong ngành thủy sản
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác chung sức phát triển có thể là lối đi mới cho ngành thủy sản của cả Việt Nam và Ấn Độ, tạo tiềm lực tốt hơn để thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu.

Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Ấn Độ trên toàn cầu và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN. Năm 2021, thương mại hai chiều đã đạt trên 12 tỷ USD. Hiện nay, Ấn Độ có mong muốn tìm một cơ chế hợp tác có thể phát triển hợp nữa quan hệ thương mại giữa hai nước.

Lợi thế chung là ngành thủy sản

Tại Hội thảo cơ hội thúc đẩy thương mại giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam và Ấn Độ được tổ chức tại Khánh Hòa ngày 10/5, các đại biểu đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển ngành thủy sản và xúc tiến thương mại ngành này cho cả hai nước.

Theo đó, các tỉnh miền trung Việt Nam như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đều có bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu như cảng Vân Phong, cảng Cam Ranh, cảng Nha Trang, cảng Cà Ná, cảng Vĩnh Tân, cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý, bến cảng xăng dầu LPG, Tuy Phong và các sân bay như sân bay Long Thành, sân bay Phan Thiết đang xây dựng.

Hệ thống hạ tầng nói trên đang tạo điều kiện thuận lợi để phát triển logistics vùng, kết nối quốc tế, giúp Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế và tạo động lực phát triển cho ngành xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tiềm năng khai thác, nuôi trồng sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam ở các tỉnh này cũng rất lớn. Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa là 3.386 ha, đem lại tổng sản lượng là 12.476 tấn. Người dân và doanh nghiệp luôn có sự điều tiết theo nhu cầu của thị trường để đảm bảo sản xuất đủ cho tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Về phía Bình Thuận, ngành thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh với diện tích nuôi trồng đạt 5.200 ha, sản lượng mỗi năm vào khoảng 200-220 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm 30% kim ngạch toàn tỉnh.

Thủy sản cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam với Ấn Độ. 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 7,2 triệu USD tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam còn có thể phát triển nhiều hơn xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Ấn độ cũng là quốc gia có thể mạnh về xuất khẩu thủy sản, năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu 7,74 tỷ USD thủy sản ra thị trường thế giới, với sản lượng đạt 148,6 triệu tấn tăng trưởng 30% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN đứng thứ 4 (sau Mỹ, Trung Quốc và EU).

Nói về tiềm lực ngành thủy sản của Ấn Độ, ông Alex Ninan, Chủ tịch hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ cho biết, thủy sản cũng là ngành đầy triển vọng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ với lượng lao động lên tới 4,5 triệu người.

Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang có những sáng kiến cải cách nhằm tăng trưởng giá trị gia tăng cho ngành thủy sản thông qua việc đầu tư vào công nghệ, đưa các sáng kiến, cải tiến và công nghệ số vào việc quản lý quá trình nuôi trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao chất lượng quy trình chế biến và bảo quản sản phẩm. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính và gia tăng thị phần xuất khẩu của Ấn Độ.

Hợp tác đôi bên cùng có lợi

Ông Alex Ninan cũng cho rằng Việt Nam đang có vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi để gia tăng xúc tiến thương mại tới các thị trường lân cận, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, đại diện phía Ấn Độ đánh giá cao tay nghề của người lao động Việt Nam và sự năng động của tầng lớp lao động trẻ trong việc quá trình chuyển đổi số.

Về lâu dài, ông Ninan hi vọng có những sự hợp tác sâu rộng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ để tạo thành các liên doanh, cùng nhau xúc tiến các hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thành một chuỗi liền mạch từ nguồn nguyên liệu tới cơ sở chế biến và cuối cùng là tới tận tay người tiêu dùng, không cần qua trung gian.

Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ cũng đang có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào quốc gia này như giảm thiểu các thủ tục đầu tư, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất…, nhằm nâng cao khả năng sản xuất trong nước và gia tăng tiềm lực xuất khẩu, giảm thiểu tình trạng nhập siêu nặng nề đang đè lên nền kinh tế Ấn Độ.

Tin liên quan

Đọc tiếp