VietABank tăng trưởng mạnh lợi nhuận trong quý 1/2022

VIETABANK NGÂN HÀNG
16:52 - 30/04/2022
VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 hơn 1.000 tỷ đồng.
VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 hơn 1.000 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thống kê từ 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022, tổng lợi nhuận đạt gần 68.000 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ so với quý 1/2021, tương đương tăng 31%. Trong đó, VietABank lọt top các nhà băng có tăng trưởng mạnh nhất quý.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2022, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank, mã chứng khoán VAB) đạt thu nhập lãi thuần 251 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021; khoản thu nhập từ hoạt động khác đạt 254 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước khoản này chỉ mang về 20 tỷ đồng. Vậy nên dù chi phí hoạt động có tăng, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng vẫn đạt 339 tỷ đồng, tăng 171% so với quý 1/2021.

Theo giải trình từ phía ngân hàng, trong quý 1/2022, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của VietABank tăng 7,9 tỷ đồng, tương đương tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xử lý nợ, bán tài sản cấn trừ nợ mang về 178,9 tỷ đồng cho ngân hàng. Hoạt động từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng mang lại hiệu quả với mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 43% và 13%.

Trong ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 28/4 vừa qua, cổ đông VietABank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với tổng tài sản đạt 111.156 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021; huy động tín dụng đạt 76.555 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.158 tỷ đồng, tăng 38%; Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục dưới 3%.

Ngân hàng còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.200 tỷ đồng theo các phương án: Phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức: 59.395.605 cổ phần (tương đương mức chia cổ tức 11%); phát hành cổ phiếu theo chương trình người lao động VietABank ESOP: 15.000.000 cổ phần; phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu: 105.604.395 cổ phần.

Năm 2021, tổng tài sản của VietABank đạt 101.033 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2020; Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 69.573 tỷ đồng, tăng 14,8%; Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 54.520 tỷ đồng, tăng 12,7%; Lợi nhuận trước thuế đạt 840 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2020.

Năm 2021 cũng là năm thứ 6 liên tiếp, VAB có mặt trong bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đáng chú ý, ngân hàng đã tăng 46 bậc so với năm 2020, từ vị trí 240 lên 194/500. Tháng 1/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới Moody’s công bố xếp hạng tín nhiệm B2 và đánh giá triển vọng ổn định đối với VietABank.

Thống kê từ 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1 cho thấy, chỉ có 5 ngân hàng (VietinBank, OCB, Kienlongbank, VietBank, NCB) ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Ngược lại, có những ngân hàng tăng trưởng rất cao.

Eximbank là ngân hàng có lợi nhuận tăng cao nhất (gấp 3,8 lần cùng kỳ), đạt 809 tỷ đồng. Hai ngân hàng tăng gần 3 lần chính là VietABank và VPBank. VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt tới 11.146 tỷ đồng, vượt qua Vietcombank để giành ngôi quán quân lợi nhuận trong quý 1/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.