Vietnam Airlines tiết kiệm được 1 tỷ USD chi phí qua thỏa thuận mới với ALC

Hàng KHông Việt nAM
20:43 - 15/12/2021
Vietnam Airlines tiết kiệm được 1 tỷ USD chi phí qua thỏa thuận mới với ALC
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 15/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ chi phí thuê máy bay giữa Vietnam Airlines và đối tác ALC (Mỹ).

Theo đó, Vietnam Airlines và Air Lease Corporation (ALC) đã thỏa thuận tái cơ cấu toàn diện liên quan đến việc thuê 18 máy bay, gồm 12 chiếc Airbus A321neo và 6 chiếc Boeing B787-10 trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng, cũng như xem xét lại các điều khoản thuê máy bay dựa trên diễn biến phục hồi kinh tế và hàng không ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Thỏa thuận này đạt được sau một thời gian dài đàm phán dưới sự chỉ đạo và theo dõi sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Theo đề nghị của Thủ tướng, ALC sẽ giảm giá trực tiếp tiền thuê tàu bay trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng hiện tại (khoảng 420 triệu USD) và cắt giảm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê thông qua việc hủy, lùi lịch nhận các tàu bay mới (hơn 600 triệu USD) cho Vietnam Airlines.

Có trụ sở tại Los Angeles (Hoa Kỳ), ALC là một trong những công ty cho thuê tàu bay lớn nhất thế giới với hơn 450 tàu bay cho thuê trên toàn cầu. ALC là đối tác cho thuê tàu bay lớn nhất của VNA với tổng số 22 tàu bay thuộc các dòng tàu bay thế hệ mới nhất, chiếm hơn 30% trong tổng số các tàu bay thuê của hãng.

Thỏa thuận hỗ trợ với ALC là thành quả quan trọng, góp phần giúp VNA tiết kiệm đáng kể các chi phí tàu bay, cân đối dòng tiền và vượt qua những khó khăn bởi đại dịch COVID-19. VNA đã và đang triển khai quyết liệt kế hoạch tái cơ cấu, thực hiện các biện pháp tăng doanh thu, giảm chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn.

Với đội tàu bay lớn nhất Việt Nam gồm hơn 100 chiếc, VNA có chi phí tàu bay chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng chi phí. Đội tàu bay quy mô lớn, trong khi nhiều đường bay đều bị tạm dừng vì COVID-19, đã gây ra áp lực chi phí không nhỏ lên VNA.

Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 của Vietnam Airlines tổ chức ngày hôm qua (14/12), ông Đặng Quốc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, làm cho tiềm lực tài chính của công ty mẹ bị suy giảm, các cân đối tài chính bị thay đổi đột ngột theo chiều hướng tiêu cực.

"Tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp tự thân, trong đó có phương án tái cơ cấu doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm như tổ chức lại sản xuất, tận dụng mọi cơ hội để tăng nguồn thu và dòng tiền, thực hiện triệt để các biện pháp cắt giảm chi phí, đồng thời, tăng cường tìm kiếm các nguồn thu như đẩy mạnh khai thác hàng hóa, chuyên chở khách hồi hương, thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, đẩy mạnh thoái vốn một số khoản đầu tư tại công ty con...", ông Hoà cho hay.

Trong đó, Vietnam Airlines đã cắt giảm được 5.129 tỷ đồng và dự kiến cắt giảm, tiết kiệm khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố mới đây, doanh thu quý 3 của Vietnam Airlines đạt 4.735 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.

Doanh thu chỉ bằng hơn 60% giá vốn dẫn đến Vietnam Airlines bị lỗ gộp hơn 3.000 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là - 3.369 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty cũng lỗ ròng 2.932 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 18.700 tỷ đồng doanh thu, giảm đáng kể so với mức 32.410 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020 (Năm 2019, Vietnam Airlines đạt doanh thu 101.188 tỷ đồng, lợi nhuận 3.369 tỷ đồng).

Lỗ ròng 9 tháng là 11.827 tỷ đồng, tăng hơn 3.700 tỷ so với mức 8.076 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.

Nếu quý 4 lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng trở lên, Vietnam Airlines vẫn có nguy cơ bị hủy niêm yết khi lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp