Vietnam Airlines lỗ tiếp gần 3.400 tỷ trong quý 3, tổng lỗ lũy kế lên 21.200 tỷ đồng

Hàng KHông Việt nAM
07:16 - 27/11/2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ đợt tăng vốn gần đây nên tình hình thanh khoản của Vietnam Airlines đã cải thiện hơn đáng kể, không còn âm vốn chủ sở hữu, nhưng guy cơ hủy niêm yết vẫn “treo lơ lửng” với Vietnam Airlines (HVN)

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 với doanh thu đạt 4.735 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.

Doanh thu chỉ bằng hơn 60% giá vốn dẫn đến Vietnam Airlines bị lỗ gộp hơn 3.000 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là -3.369 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty cũng lỗ ròng 2.932 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt hơn 18.700 tỷ đồng doanh thu, giảm đáng kể so với mức 32.410 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.

Lỗ ròng 9 tháng là 11.827 tỷ đồng, tăng hơn 3.700 tỷ so với mức 8.076 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.

Nếu quý 4 lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng trở lên, Vietnam Airlines vẫn có nguy cơ bị hủy niêm yết khi lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Ngoài ra nếu năm 2022 Vietnam Airlines vẫn không thể có lãi thì sẽ có 3 năm lỗ liên tiếp và đây cũng là 1 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tính đến cuối quý 3, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến 21.200 tỷ đồng. Mặc dù hãng đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng nhưng hiện vốn chủ sở hữu cũng chỉ còn 1.475 tỷ đồng.

Ngày 19/11 vừa qua là ngày giao dịch đầu tiên của hơn 796 triệu cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines). Đây là số cổ phiếu phát hành trong đợt Vietnam Airlines chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu. Gần 4 triệu cổ phiếu còn dư đã bị hủy bỏ.

Sau khi chào bán, số lượng chứng khoán của doanh nghiệp này tăng từ 1,4 lên 2,2 tỷ cổ phiếu, vốn điều lệ tăng lên 22.143 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD.

Ngày 30/11 tới đây, theo dự kiến, Vietnam Airlines sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường tại Hà Nội; tuy nhiên, nội dung và hình thức tổ chức hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Hiện nay, các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với 55,2%; Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước với 31,14% và Tập đoàn ANA với 5,62%.

Trên thị trường, cổ phiếu HVN đã chính thức được giao dịch trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát. Đóng phiên giao dịch 26/11, cổ phiếu HVN có thị giá 23.850 đồng/đơn vị.

Những cố gắng tích cực nhằm cải thiện tình hình âm vốn chủ sở hữu

Từ đầu năm, để giải quyết tình trạng âm vốn, bên cạnh việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Vietnam Airlines cũng được vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, hãng hàng không quốc gia cũng lên kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008 và lùi thời gian nhận tàu bay mới.

Mới đây, Vietnam Airlines mở rộng hoạt động kinh doanh sang ngành hàng bán lẻ bằng việc ra mắt sàn thương mại điện tử VnaMall. VnaMall cung cấp dịch vụ đi chợ cuối tuần với 300 sản phẩm, từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines … Hiện, dịch vụ được Công ty phục vụ tại hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng bày bán thẻ quà tặng VNA Gift Card. Loại thẻ này có thể dùng để đổi sang vé máy bay hoặc quyền lợi nâng hạng Thương gia trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco.

Trước đó, Vietnam Airlines từng công bố dự định bổ sung đăng ký kinh doanh thêm các ngành nghề: Cho thuê xe có động cơ; bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet; chuyển phát; vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; sản xuất và phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình...

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch. Các đường bay nội địa và quốc tế cũng mới chỉ được mở cửa một cách dè dặt và áp dụng trong thời gian ngắn hạn.

Ngày 25/11 vừa qua, như tin Mekong – ASEAN đã đưa, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải đề xuất mở lại đường bay nội địa thường lệ với tần suất tăng lên từ tháng 12/2021 và xin phép cho các hãng hàng không được cung cấp dịch vụ trên các chuyến bay.

Về đường bay quốc tế, bên cạnh các đường bay truyền thống được phép khai thác, chiều 16/11, Vietnam Airlines đã chính thức đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác đường bay thường lệ các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Như vậy, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp phép bay thường lệ đến Mỹ. Dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào ngày 28/11.

Từ tháng 12/2021, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay thường lệ giữa thành phố Hồ Chí Minh và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Tin liên quan

Đọc tiếp