VN-Index bị ‘đánh úp’ phiên ATC, khối ngoại bán ròng MSB gần 400 tỷ đồng

MSB VN INDEX
16:08 - 19/04/2023
Các nhóm ngành chìm trong sắc đỏ.
Các nhóm ngành chìm trong sắc đỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Sau quãng thời gian giằng co quanh ngưỡng tham chiếu, chỉ số sụt giảm mạnh vào phiên ATC khi bị dòng tiền bán “đánh úp”. Khối ngoại bán ròng mạnh với một cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng gần 400 tỷ đồng.

Kết phiên 19/4, VN-Index giảm hơn 6 điểm xuống mốc 1.048,98 điểm. HNX-Index cũng giảm 2,4 điểm, còn UPCoM giảm 0,62 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt hơn 10.200 tỷ đồng.

Khối ngoại giao dịch hơn 1.500 tỷ đồng và bán ròng mạnh hơn 460 tỷ đồng trên sàn HoSE. Nguyên nhân chủ yếu do lực bán ròng mạnh tập trung vào MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, với giá trị 374 tỷ đồng.

Đây có thể là động thái của khối ngoại trong kỳ tái cơ cấu danh mục cho kỳ quý 2/2023 của các quỹ ETF. Theo ước tính của SSI, quỹ ETF DCVFMVN Diamond (đang sử dụng chỉ số làm tham chiếu, có tài sản ước tính là 18.539 tỷ đồng) sẽ bán toàn bộ 5,6 triệu cổ EIB và bán 13 triệu cổ phiếu ACB, bán 14,9 triệu cổ phiếu MSB; bán 1,65 triệu cổ phiếu REE, FPT cũng bị bán 650 nghìn cổ phiếu, OCB bị bán 3,3 triệu cổ phiếu.

Ngược lại, quỹ này sẽ mua thêm nhiều nhất MBB với 6,3 triệu cổ phiếu; CTG được mua nhiều thứ hai với 5,7 triệu cổ phiếu; VPB với 5,3 triệu cổ phiếu; GMD với 4 triệu cổ phiếu; MWG, PNJ, TPB, VIB, DHC, NLG... cũng được mua 2-3 triệu cổ phiếu.

Danh sách bán ròng hôm nay còn có BMP (44 tỷ đồng), STB (35 tỷ đồng), VNM (20 tỷ đồng), CTG, VIC, LPB, SHB (12-17 tỷ đồng).

Chiều mua ròng dẫn đầu là HPG (47 tỷ đồng). VPB cũng được mua ròng 39 tỷ đồng, SSI 22 tỷ đồng, FRT 17 tỷ đồng...

Dòng tiền hôm nay bị rút ra trên diện rộng, đa số các cổ phiếu trong rổ VN30 đều ở chiều giảm, tuy nhiên tỷ lệ chênh lệch không quá lớn. Các mã giảm hơn 2% là GVR, VPB, TPB, SSI, POW, NVL. Chiều tăng chỉ có MSN, MWG, SAB, VCB, VJC, trong đó tăng mạnh nhất là SAB +2,8%.

Với sự tích cực của các đại diện trong nhóm bluechip, nhóm ngành bán lẻ có giao dịch tích cực nhất phiên hôm nay, với vốn hoá tăng hơn 1%. Hai nhóm nông nghiệp và vận tải kho bãi cũng ở chiều tăng, nhưng không đáng kể.

Chiều giảm mạnh nhất cũng chỉ mất đi 1,6% giá trị vốn hoá, thuộc về nhóm thuỷ sản. ANV sau nhiều phiên tăng nóng đã đảo chiều giảm 2,6%. IDI cũng giảm 3,6%; VHC, FMC, CMX, ACL đều giảm giá.

Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận đa số các mã ở chiều giảm, nhưng giảm mạnh nhất cũng chỉ hơn 3%, thuộc về PSI và VIG. Hai mã đầu ngành VND và SSI cùng giảm hơn 2%. Chiều tăng có AGR, BMS, AAS, BSI, FTS, SBS, TVS.

Đáng chú ý có AGR tăng trần từ sớm lên mức giá 10.800 đồng/cp. Từ phiên 10/4 đến nay, cổ phiếu của Chứng khoán Agribank (Agriseco) bật tăng mạnh, đạt hiệu suất +14%.

Agriseco vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu hoạt động giảm 17% so với cùng kỳ, đạt gần 85 tỷ đồng; lãi ròng thu về 44 tỷ đồng, giảm 12%. Kết quả kinh doanh của công ty chứng khoán bị ảnh hưởng bởi doanh thu mảng môi giới và cho vay giảm mạnh, ngược lại tự doanh cải thiện.

Tương tự, nhóm ngân hàng sắc xanh chỉ còn hiện diện ở 5 mã BAB, EIB, PGB, SGB và VCB, trong đó EIB tăng tốt nhất với tỷ lệ 2,3%. Chiều giảm có VPB “rơi” mạnh nhất 2,7%, còn lại đa phần chỉ giảm trên dưới 1%.

Nhóm bất động sản có 55 mã giảm, áp đảo so với 9 mã ở chiều tăng. Tuy nhiên cũng như các nhóm khác, mức điều chỉnh không lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.