'VN-Index chưa chạm đáy, nhà đầu tư nên chọn chiến lược đầu tư phòng vệ'

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
20:58 - 29/06/2022
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng VN-Index sẽ theo sau các thị trường chứng khoán lớn với một độ trễ.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng VN-Index sẽ theo sau các thị trường chứng khoán lớn với một độ trễ.
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, có phần chịu tác động bởi khối ngoại. Khi các thị trường lớn đi vào trạng thái “bearish” (thị trường giảm giá) thì chứng khoán Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ.

Tại tọa đàm “Đầu tư tài chính 2022 – Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 29/6, Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện không có chính sách tiền tệ chung quốc tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn sẽ ảnh hưởng phần nào đến các nước khác. Hiện nay, chính sách tiền tệ của Mỹ đang được thế giới quan tâm nhất, có tác động mạnh nhất đến chính sách tiền tệ của Việt Nam.

TS Hiếu cho biết, cách đây 2 tuần, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75%. Nhiều dự báo cho thấy cơ quan này có thể tăng lãi suất thêm 1,9% từ nay đến cuối năm. Do đó, lãi suất có thể tăng lên đến 3,4% vào cuối năm nay và có thể lên tăng đến 3,8% vào năm 2023, sau đó giảm vào năm 2024. Có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất trong năm nay và 2023.

Các nhà kinh tế ở Mỹ không phủ nhận quan điểm của Fed, nhưng họ lo ngại những tác dụng tiêu cực của việc tăng lãi suất. Đó là tác động trực tiếp đến tất cả các loại lãi suất như lãi suất vay doanh nghiệp, lãi suất LIBOR trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng và đặc biệt làm tăng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp… Từ đó ảnh hưởng đến thị trường nhà ở, thị trường xe ô tô, thị trường chứng khoán. TS Nguyễn Trí Hiếu

Trong khi đó, việc tăng lãi suất chưa chắc đã kiểm soát được lạm phát, vì lạm phát bị tác động bởi nhiều yếu tố từ bên ngoài bao gồm cuộc chiến tranh tại Ukraine tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng, thực phẩm và làm gián đoạn nhiều giao dịch tài chính quốc tế. Rồi giá dầu tăng cao do OPEC hạn chế sản xuất dầu hoả, chuỗi cung ứng hàng hoá vẫn chưa được hồi phục vì những biện pháp chống dịch của Trung Quốc.

“Vấn đề không còn là liệu Mỹ có đi vào suy thoái hay không mà câu hỏi đặt ra là chừng nào suy thoái đến, độ sâu của tình trạng suy thoái và thời gian suy thoái kéo dài bao lâu”, TS Hiếu nêu vấn đề.

Trước tình hình lạm phát và tăng lãi suất của Fed như trên, TS Hiếu cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam đều sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế, hai ngày sau khi Fed tăng lãi suất, chỉ số Dow Jones giảm mạnh xuống mức 29.889 từ mức 36.585 điểm vào ngày đầu năm, giảm khoảng 14%. VN -Index giảm khoảng 20% từ đầu năm, và xuống mức thấp nhất 1.169 điểm ngày 22/6, 1 tuần lễ sau khi Fed tăng lãi suất.

TS Hiếu nhận định, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi với GDP Quý II tăng cao hơn quý I; lạm phát được kiềm chế. Nhưng cuối cùng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, có phần chịu tác động bởi khối ngoại. Khi Fed tăng lãi suất làm các tài sản định nghĩa trên đồng USD trở nên hấp dẫn hơn, thúc đẩy một phần các nhà đầu tư ngoại trên các thị trường rút tiền về với lợi suất cao hơn và an toàn hơn.

Chứng khoán Việt Nam cũng thường bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tại các thị trường lớn. Khi các thị trường lớn đi vào trạng thái “bearish” (thị trường giảm giá) thì thị trường Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ.

Với quan điểm như trên, vị chuyên gia cho rằng VN-Index chưa chạm đáy, có khả năng sẽ quay ngược dòng và chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong 6 tháng còn lại của năm 2022. Ông đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư rằng đây là lúc nên chọn “ngủ yên” với chiến lược đầu tư mang tính bảo thủ và phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận với rủi ro cao. Nên tìm những mã cổ phiếu có sự ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của các doanh nghiệp lớn, có uy tín, tình hình tài chính ổn định.

Cổ phiếu vẫn là kênh tăng trưởng tích cực nhất

Lạc quan hơn TS Nguyễn Trí Hiếu, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022. Một là ở mốc 1.436 điểm, với các tiêu chí: Số tài khoản chứng khoán 5,17 triệu, vốn hóa thị trường 330 tỷ USD, khối ngoại mua ròng 200 triệu USD, giá trị giao dịch bình quân phiên 932 triệu USD, P/E của VN-Index là 14,5.

Kịch bản 2 tươi sáng hơn với mốc 1.614 điểm, với các tiêu chí: Số tài khoản chứng khoán 5,6 triệu, vốn hóa thị trường 371 tỷ USD, khối ngoại mua ròng 500 triệu USD, giá trị giao dịch bình quân phiên 1,1 tỷ USD, P/E của VN-Index là 16,3.

Hai kịch bản trên được TS Lực đưa ra trên cơ sở Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế tốt, sau khi đã lỡ nhịp với thế giới trong năm ngoái. “Sáng nay (29/6), Tổng cục Thống kê có công bố sơ bộ cho thấy, về cơ bản kinh tế của Việt Nam nửa đầu năm nay đang phục hồi rất tốt, GDP tăng 6,42% trong 6 tháng đầu năm, chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2019”, ông Lực cho biết.

Động lực tăng trưởng của Việt Nam cả về phía cung và phía cầu đều được thể hiện rõ nét, trong đó phía cung có hai trụ cột là công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ. Du lịch trong nước đã phục hồi nhanh cùng với lưu trú, ăn uống, bán lẻ quay trở lại mức gần bằng trước dịch. Ở phía cầu, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, đầu tư và tiêu dùng phục hồi. TS Cấn Văn Lực

Đặc biệt, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 và đầu tư công được đẩy mạnh, cùng những chương trình liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập cũng có những động thái mới. Vừa qua, RCEP bắt đầu có hiệu lực mà Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi tương đối tốt.

Một yếu tố tích cực nữa đó là tỷ giá của Việt Nam vẫn ở mức độ ổn định hơn so với giá trị danh nghĩa của nhiều loại tiền tệ khác từ đầu năm đến nay. Có nhiều nước, đồng nội tệ đã mất giá danh nghĩa từ 3-8%, thậm chí là trên 10% và năm nay dự báo tỷ giá có thể sẽ tăng ở mức khoảng 2- 2,3% hoặc cao hơn một chút ở mức 2,5%.

Tình hình doanh nghiệp cũng khả quan với lượng doanh nghiệp thành lập mới và những doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng rất mạnh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng ở mức trên 40% cho thấy một số lĩnh vực ngành nghề vẫn còn rất khó khăn.

Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 30 - 33% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực.

Mặc dù vậy, TS Lực cũng lưu ý không thể bỏ qua các thách thức cần lưu tâm trên thị trường như rủi ro địa chính trị, lạm phát, lãi suất tăng; việc tăng vốn của các công ty chứng khoán và câu chuyện cho vay ký quỹ; vấn đề làm bóng, thao túng giá, vi phạm công bố thông tin; các chính sách lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu…

Dẫn nghiên cứu của Dragon Capital cho thấy đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh tăng trưởng tích cực, sau đó mới đến bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng và đô la Mỹ; TS Lực nhận định vẫn còn rất nhiều cơ hội để đầu tư trên thị trường, nhưng nhà đầu tư phải xác định được khẩu vị rủi ro để có chiến lược phù hợp, đồng thời tiếp cận theo hướng đa dạng hóa hơn, dùng đòn bẩy tài chính cẩn trọng, hạn chế tâm lý đám đông và tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.