VN-Index có nhiều động lực chinh phục ngưỡng 1.700 điểm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
13:24 - 05/03/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc nhờ sự gia nhập ồ ạt của nhóm nhà đầu tư cá nhân. Nhưng kịch bản liệu có còn lặp lại trong năm nay khi thị trường đang phải đối mặt với nhiều bất lợi và dòng tiền cũng không còn "dễ tính".

Năm 2021, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản được mở mới trong giai đoạn 2017 - 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản). Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường cao đột biến khi các hoạt động kinh doanh khác bị ngừng trệ, lãi suất ngân hàng kém hấp dẫn.

Việc nhà đầu tư cá nhân ồ ạt gia nhập thị trường đã đẩy quy mô ngành chứng khoán nội địa phát triển thần tốc. Năm 2021, VN-Index tăng 36% để lọt vào top 7 thị trường tăng mạnh nhất thế giới và kết thúc năm quanh đỉnh 1.500 điểm; mang đến kỳ vọng về một năm 2022 sôi nổi hơn.

Tuy nhiên qua 2 tháng đầu năm, thị trường vẫn chưa cho thấy sự đột phá, thậm chí nhiều phiên giảm điểm sâu khiến nhà đầu tư không khỏi e ngại. VN-Index tiếp tục giằng co trước ngưỡng 1.500 điểm, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới đều điều chỉnh trước khả năng Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn để kiềm chế lạm phát, thêm vào đó là căng thẳng Nga–Ukraine leo thang.

Dòng tiền có xu hướng rút từ kênh đầu tư rủi ro sang kênh trú ẩn an toàn, bằng chứng là giá vàng đã tăng phi mã vượt đỉnh lịch sử.

VN-Index vẫn giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm.

VN-Index vẫn giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm.

Mặc dù vậy, các công ty chứng khoán Việt Nam vẫn rất lạc quan về thị trường sắp tới. Trong báo cáo mới đây, Mirae Asset Việt Nam giữ nguyên mức dự báo EPS toàn ngành năm 2022 tương đương mức tăng gần 21% so với năm 2021 (phù hợp với mức đồng thuận của thị trường). Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ thuận lợi hơn trong bối cảnh vĩ mô phục hồi, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ.

Cụ thể, động lực tăng trưởng đến từ: Chương trình hồi phục kinh tế giai đoạn 2022−2023 có quy mô khoảng 4% GDP, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kích cầu tiêu dùng, và đầu tư; Tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp; Tăng trưởng tín dụng khoảng 13% trong năm 2022, với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp; Doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, nhu cầu bên ngoài hồi phục.

Ngược lại, rủi ro có thể đến từ dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát; Căng thẳng địa chính trị; Lạm phát toàn cầu, cũng như trong nước; Mỹ tăng lãi suất cơ bản nhanh hơn kỳ vọng để kiềm chế lạm phát và rủi ro nợ xấu.

Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ có thể chinh phục ngưỡng 1.700 điểm. Với mức tăng trưởng EPS (lợi nhuận sau thuế mỗi một cổ phiếu) kỳ vọng năm 2022 gần 21%, mức P/E forward cuối năm 2022 khoảng 14 lần, tương đối hấp dẫn so với một số nước khác trong khu vực.

Hơn nữa, mức ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) hiện tại của Việt Nam là 15,6%, đang cao hơn nhiều nước trong khu vực, và có thể tiếp tục cải thiện nhờ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán cũng nhận định nhà đầu tư cá nhân (chiếm 86% tổng giá trị giao dịch trong năm 2021) tiếp tục là động lực chính của thị trường trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn, trong khi triển vọng thị trường chứng khoán lạc quan.

Theo số liệu công bố của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), tổng số tài khoản chứng khoán của thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 2/2022 là hơn 4,7 triệu tài khoản, tăng 211.000 tài khoản so với cuối tháng trước. So với tháng 1, số tài khoản mở mới tăng gần 8,4%. Trong đó, tài khoản mở mới của cá nhân trong nước đạt hơn 210.700 tài khoản, tăng 8,5% so với tháng trước. Trong năm 2021, tháng 12 là tháng kỷ lục ghi nhận số lượng tài khoản cá nhân mở mới, với 226.580.

Trong tháng 2, giao dịch của cá nhân trong nước vẫn chiếm 87% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, với giá trị mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng, đủ để giữ cán cân thị trường khi nhà đầu tư tổ chức trong nước (chiếm 7% tổng giá trị giao dịch) bán ròng hơn 1.900 tỷ đồng và khối ngoại (chiếm 6% tổng giá trị giao dịch) bán ròng 338 tỷ đồng.

Với 4,7 triệu tài khoản, chưa đến 5% dân số, Mirae Asset cho rằng số lượng tài khoản mở mới bởi các cá nhân trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới (một phần nhờ áp dụng eKYC, thuận tiện cho việc mở mới tài khoản trực tuyến).

P/E VN-Index = Tổng vốn hoá/Tổng lợi nhuận sau thuế. Trong đó, tổng vốn hoá sẽ là tổng vốn hoá của tất cả doanh nghiệp trên thị trường (cụ thể là HoSE) rồi chia cho tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp đó.

Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 3/2022, VnDirect cũng nhận định xung đột Nga - Ukraine và sự kiện Fed tăng lãi suất lần đầu tiên sẽ có tác động đến chứng khoán Việt Nam; tuy nhiên chỉ là tác động ngắn hạn. Còn về lâu dài, thị trường vẫn được hỗ trợ bởi Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ vẫn mạnh mẽ vì Việt Nam tiếp tục là lựa chọn hàng đầu đối với nhiều nhà sản xuất trên thế giới khi theo đuổi chiến lược Trung Quốc+1 và dòng vốn trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.

Trong năm 2022, công ty chứng khoán này kỳ vọng tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HoSE sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 23% so với cùng kỳ. Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận là Hàng hóa công nghiệp và Dịch vụ, Bán lẻ và Bất động sản; trong khi tăng trưởng lợi nhuận của Dầu khí, Tiện ích công cộng và Công nghệ vẫn duy trì ở mức cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.