VN-Index giảm mạnh về vùng 1.020 điểm, cổ phiếu của Masan nằm sàn

MASAN VN INDEX
16:07 - 27/02/2023
Giao dịch của nhóm vốn hóa lớn phiên 27/2.
Giao dịch của nhóm vốn hóa lớn phiên 27/2.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index mở cửa phiên đầu tuần trong trạng thái tiêu cực và duy trì đến hết phiên. Nhiều bluechip giảm mạnh, MSN của Tập đoàn Masan giảm hết biên độ.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE giảm hơn 18 điểm về mốc 1.021,25 điểm. HNX-Index giảm hơn 4 điểm còn UPCoM giảm 0,88 điểm. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn đạt hơn 9.600 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, với giá trị hơn 650 tỷ đồng, trên tổng số hơn 2.300 tỷ đồng giao dịch trên sàn HoSE. Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND đứng đầu chiều bị bán ròng (168 tỷ đồng). Ba mã VHM, SSI, STB cùng bị bán ròng hơn 70 tỷ đồng. MSN, VND, NVL, HPG, VCB bị bán ròng hơn 24 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, VNM được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất với giá trị 35 tỷ đồng. Mã tiếp sau là POW với 21 tỷ đồng, PVD 11 tỷ đồng, còn lại các mã được mua ròng dưới 10 tỷ đồng như BMP, PHR, PC1, HSG, NKG, NT2…

Trong các bluechip, MSN tác động tiêu cực nhất khi giảm sàn, lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số. Từ phiên 23/1 đến nay, cổ phiếu của Tập đoàn Masan diễn biến khá tiêu cực khi giảm 30%, từ mức giá 104.000 đồng xuống vùng 80.000 đồng.

Năm 2022, Masan đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) lần lượt là 76.200 tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ) và 3.600 tỷ đồng (giảm 58,3% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ lợi nhuận bất thường từ việc bán mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của MML cho DeHeus trong năm 2021, thì lợi nhuận ròng đi ngang so với năm 2021.

Về mặt chi phí, chi phí tài chính của MSN tăng 11% trong năm 2022 (riêng chi phí tài chính quý 4/2022 tăng 16,7% so với cùng kỳ) do dư nợ và lãi suất đều tăng. Với tỷ lệ đòn bẩy cao (D/E là 1,9 lần tại thời điểm cuối năm 2022), chi phí lãi vay cao sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận trong suốt năm 2023 nếu công ty không thể giảm đòn bẩy.

Trong rổ VN30 hôm nay còn có NVL giảm mạnh 5,7%; nhiều mã giảm hơn 3% như SSI, PDR, MWG, HPG, HDB…

Với phiên sụt giảm mạnh, không nhóm ngành nào giữ được sắc xanh. Giảm mạnh nhất là nhóm thủy sản với vốn hóa âm hơn 5%. ANV nằm sàn, IDI và VHC giảm hơn 6%. CMX và ACL giảm gần 4%.

Nhóm chứng khoán cũng giảm mạnh khi “bốc hơi” gần 4% vốn hóa. SSI -4%, VND -4,3%, VCI -4,5%, HCM -5,2%, SHS -2,4%, MBS -5,2%...

Nhóm ngân hàng chỉ có 2 mã nhỏ giữ được sắc xanh là BAB và VBB. EIB dẫn đầu chiều giảm với tỷ lệ -5%. HDB -3,4%, CTG, MBB, STB, VIB giảm hơn 2%.

Diễn biến tương tự ở nhóm bất động sản với sắc đỏ phủ kín. Ba mã đầu ngành là VHM, VIC, BCM chỉ giảm dưới 1% nhưng nhiều mã giảm sâu như NVL -5,7%, kbc -5,6%, VCG -4,7%, DIG -4,4%, DXG -5,2%, CEO -6,2%, SNZ -7,8%...

Điểm sáng trong phiên hôm nay là một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành vận tải và cảng biển. PDN của Cảng Đồng Nai tăng trần, MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tăng 11,11%, VJC tăng 2,4%. CDN, NCT, ASG, CLL, VNT, SGN… cũng đều ở chiều tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp